Thi lớp 10 tại Hà Nội: Mong đẩy sớm thời gian công bố phương án thi

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hơn nửa năm nữa mới đến kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2024 nhưng phụ huynh, học sinh lớp 9 đã và đang sốt ruột ngóng đợi thông tin về kỳ thi này. Không hẳn mong giảm môn thi, có lẽ điều phụ huynh, học sinh mong nhất là Hà Nội sớm công bố chính xác phương án thi.

Đẩy sớm công bố phương án thi

Năm học 2024 – 2025, lứa sinh năm 2009 sẽ bước vào kỳ thi lớp 10. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này dự kiến có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập có phần cam go, căng thẳng hơn năm ngoái khi tỉ lệ tuyển sinh các trường không tăng.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2023 (Ảnh: PH)
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2023 (Ảnh: PH)

Thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT thông tin kỳ thi lớp 10 năm 2024 tiếp tục diễn ra bằng phương thức thi tuyển nhưng chưa có phương án về số môn thi. Ngoài ra, Sở sẽ chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Liên quan đến kỳ thi lớp 10, có hai vấn đề được phụ huynh, học sinh quan tâm là thời điểm công bố phương án thi và số môn thi.

Nhà giáo Vũ Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lan, huyện Gia Lâm chia sẻ: “Đã thành thành lịch cố định từ nhiều năm nay, phương án thi 10 và số môn thi lớp 10 sẽ được UBND TP xem xét và công bố vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

“Sở dĩ cố định lịch này vì thời điểm đó, các nhà trường cơ bản đã hoàn thành chương trình lớp 9, bắt đầu thực hiện những công tác liên quan hồ sơ tốt nghiệp của học sinh”, nhà giáo Lan Anh cho biết.

Ngoài ra, lí do Sở GD&ĐT Hà Nội không công bố sớm số môn thi lớp 10 vì nhìn ra nguy cơ học sinh chỉ tập trung vào môn thi mà bỏ bê các môn còn lại. Trong khi đó, kiến thức THCS là cơ bản, nền tảng nên đòi hỏi các em phải nắm chắc chắn mới học tốt ở bậc THPT.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình Nguyễn Thị Thu Thủy nhận xét: Từ khi Hà Nội chuyển sang thi 4 môn để tuyển sinh lớp 10 đến nay mới chỉ có 2 năm tổ chức được môn thi thứ tư, là năm 2018 và 2021, trong đó cả 2 lần đều thi môn Lịch sử. Sau đó, vì nhiều lý do như dịch bệnh, giảm áp lực cho học sinh, đến phút cuối Hà Nội đều chốt phương án chỉ tổ chức thi 3 môn. Thực hiện khung thời gian năm học và kế hoạch giáo dục cụ thể, các trường THCS vẫn tổ chức dạy học đều tất cả các môn và sẵn sàng cho cả phương án thi 4 môn.

Nhiều ý kiến về số môn thi

Tâm lý chung của phụ huynh và học sinh là muốn giảm áp lực, giảm số môn thi, chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi lớp 10.

“Con tôi có gần 2 năm (lớp 6 và lớp 7) học trực tuyến. Kiến thức nền tảng của 2 lớp này rất quan trọng nhưng do dịch bệnh kéo dài nên ảnh hưởng nặng nề đến việc thu nhận kiến thức của các con. 2 năm trước Hà Nội đã đưa ra phương án thi 3 môn thì năm nay cũng nên thi 3 môn để đảm bảo công bằng cho học sinh”, phụ huynh Ngô Thị Thùy Mai, trú tại quận Thanh Xuân nêu ý kiến.

Phụ huynh, học sinh luôn mong giảm áp lực và sớm công bố phương án thi (Ảnh: PH)
Phụ huynh, học sinh luôn mong giảm áp lực và sớm công bố phương án thi (Ảnh: PH)

Thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với phụ huynh, học sinh, giáo viên chủ nhiệm các lớp 9 của trường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: “Học sinh lớp 9 năm nay là lứa học sinh cuối cùng bậc THCS thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 nên mặc dù các trường THCS vẫn tổ chức dạy học đều tất cả các môn và sẵn sàng cho cả phương án thi 4 môn nhưng đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên mong muốn chỉ nên tổ chức 3 bài thi nhằm giảm áp lực.

“Phụ huynh, học sinh năm nào cũng muốn con thi ít môn và tìm mọi lý do để bảo vệ lí lẽ của mình. Rõ ràng, về mặt kế hoạch ai cũng nắm được là sẽ thi 3 môn Toán- Văn – Ngoại ngữ và 1 môn bất kỳ trong các môn còn lại; các thầy cô, nhà trường cũng tổ chức dạy và học kỹ tất cả các nội dung, ôn tập từng mạch kiến thức cho học sinh nhưng các em và xã hội vẫn trông chờ giảm môn thi”, cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên quận Đống Đa nói.

Theo cô Huế, nếu năm nay thi 3 môn thì sang năm lứa 2010 - lứa đầu tiên học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS cũng có lí do kiến nghị thi 3 môn vì các em từng phải học trực tuyến gần 1 năm (lớp 6) vì dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.

Nhà giáo Phạm Thị Duyên, Trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Thi 3 môn thì học sinh đỡ áp lực, phù hợp với tâm lí chung của phụ huynh, học sinh nhưng dễ dẫn đến việc học lệch vì các em sẽ không để ý tới các môn khác trừ môn thi. Điều này, ít nhiều gây khó khăn trong việc phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, việc mong muốn sớm công bố sớm số môn thi cũng là chính đáng vì học sinh cần thời gian ôn tập dài hơn và lượng kiến thức ở môn thứ 4 cũng không nên quá khó để các em bớt căng thẳng.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng trao đổi: Phụ huynh và giáo viên luôn mong muốn có sự ổn định về cách thức thi tuyển sinh vào lớp 10; càng thay đổi nhiều càng dẫn đến tâm tư, lo lắng và phản hồi thiếu tích cực.

“Năm học 2023 - 2024 cũng là năm học cuối cùng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 nên học sinh mong giữ ổn định như năm trước. Việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại thí sinh. Điều này cũng giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh; tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong công tác tổ chức thi cũng như tiết kiệm chi phí của xã hội; giảm áp lực cho cán bộ, thầy cô làm công tác tổ chức kỳ thi. Suy cho cùng, kỳ thi dù theo phương án nào thì việc đặt lợi ích của học sinh lên trên hết vẫn là quan trọng nhất”, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lômônôxốp bày tỏ.

 

Hưng Yên là địa phương đầu tiên trên cả nước đã ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 với một số điều chỉnh. Theo đó, thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hưng Yên sẽ làm 3 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh, giảm 2 môn (Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học hoặc Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục công dân) so với kỳ thi năm trước.