Thi THPT Quốc gia trên máy tính: Không chắc chắn giảm gian lận

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương án đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia hướng tới việc thí sinh (TS) làm bài thi trên máy tính đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, liệu có giảm được tiêu cực trong thi cử?

Gian lận vẫn có thể xảy ra
Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT Quách Tuấn Ngọc cho rằng, thi trên máy tính khó chắc chắn giảm được gian lận vì thực tế chưa có sự trải nghiệm, cũng chưa thí điểm kỳ thi tại bất kỳ địa phương nào.
Ngoài ra, kỳ thi được thực hiện trên máy tính cũng sẽ gặp những khó khăn như kho đề thi lớn, phong phú; thi nhiều lần làm giảm động lực của TS khi cho rằng thi trượt lần này sẽ có lần sau, đặc biệt gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT và đội ngũ làm đề vì phải căn chỉnh để chất lượng đề thi tương đương nhau, tránh đề thi đợt này dễ mà đợt sau lại khó.
Ngoài ra, thi trên máy tính, việc nối mạng cũng là vấn đề cần quan tâm đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa.
Thi THPT quốc gia trên máy tính nhận được sự ủng hộ nhưng nhiều người vẫn lo lắng về tiêu cực. Ảnh: Internet
Vì vậy theo ông Quách Tuấn Ngọc, Bộ GD&ĐT nên thí điểm thi trên máy tính ở những nơi có điều kiện để rút kinh nghiệm. "Bộ GD&ĐT phải lường trước được việc gian lận khi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là do một số cán bộ câu kết với nhau.
Hơn nữa, 1 đợt thi cần hàng trăm nghìn máy tính nhưng chỉ dùng mấy tiếng đồng hồ thì rất lãng phí. Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải lấy ý kiến góp ý của người dân, sau đó có đề án trình Chính phủ phê duyệt” - ông Quách Tuấn Ngọc nói.
Còn Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) Hà Xuân Nhâm cho rằng, thi trên máy tính có thể đem lại những kết quả tốt hơn cho kỳ thi và đặc biệt hệ thống phần mềm chấm thi trả kết quả ngay, đây cũng là một trong những cách để hạn chế các vấn đề tiêu cực. Vấn đề gian lận trong thi cử phần lớn do con người, một khi đã cố tình vi phạm, thì vẫn sẽ có những cách để lách luật. Vì vậy, ngành chức năng cần phải "siết" từ khâu này.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định nhiều ưu điểm của việc thi trên máy tính nhưng lo lắng người giữ chìa khóa phần mềm có thể can thiệp hàng loạt kết quả thi.
Phương án thi THPT Quốc gia sau 2020 sẽ được tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2018, tiêu cực trong kỳ thi này xảy ra ở một số địa phương, vì vậy, Bộ GD&ĐT cần lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Thiết kế bài thi phù hợp
Cho rằng đề thi rất quan trọng, GS Nguyễn Đình Đức khẳng định, để có kỳ thi tốt, những khâu mấu chốt gồm phương án tổ chức thi (coi thi, giám sát), công tác chấm thi, xét tuyển phải được thực hiện rất bài bản, khoa học. Muốn các trường ĐH có cơ sở lấy kết quả kỳ thi THPT xét tuyển, đề thi phải đánh giá được năng lực và kỹ năng của TS, có tính phân loại cao. Ở những năm đầu, bộ đề thi có thể bao hàm kiến thức trong chương trình lớp 12 cho TS khỏi cảm thấy “sốc”.
Nhưng sau đó, bộ đề thi gồm toàn bộ kiến thức và các kỹ năng, được chuẩn bị và chuẩn hóa kỹ (như chất lượng các bộ đề SAT và ACT của Hoa Kỳ). Từ đó, có thể đánh giá chính xác năng lực TS cũng như chất lượng tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông.
“Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT có thể tham khảo và xây dựng các bộ cẩm nang ôn tập thi THPT Quốc gia của Việt Nam. Khi bộ tài liệu này được công khai, xã hội được tham gia giám sát, các trường ĐH có thể dựa trên nội dung, căn cứ tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi để xét tuyển” - GS Nguyễn Đình Đức nói.
Ủng hộ phương án thi THPT Quốc gia sau 2020, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thiết kế được bài thi phù hợp, đánh giá được năng lực của TS. Do đó, việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi vô cùng quan trọng.
Trước những góp ý đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020. Phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí.
Về vấn đề thi THPT Quốc gia trên máy tính sau 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có lộ trình để thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho TS, thận trọng trên quy mô nhỏ để đánh giá và có lộ trình mở rộng dần. Ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhưng không vì vấn đề này mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy.
“Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, nhận góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ” - Phó Thủ tướng cho hay.