Thị trường bất động sản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”

Doãn Thành thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù sức phục hồi còn rất yếu, nhưng với những chính sách kịp thời từ Chính phủ đã có tác động tích cực, góp phần làm cho thị trường không bị “trượt dốc”, đến thời điểm hiện tại đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Đây là chia sẻ của Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường BĐS hiện nay khi vừa qua có hàng loạt chính sách hỗ trợ?

- Trong 10 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường BĐS để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải.
Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải.

Liên tục trong thời gian ngắn các quyết định, chính sách mới được ban hành. Điển hình như Nghị định 08/NĐ-CP liên quan chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 35/2023/NĐ-CP liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Rồi Quyết định 338/QĐ- của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Quyết định 486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; hay Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng...

Kết quả là, thị trường BĐS đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét, góp phần tích cực nhằm giữ thị trường, tuy thị chưa đủ lực để “vượt dốc” nhưng cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” và đang lấy lại đà.

Ông cho biết chi tiết hơn về việc phục hồi này?

- Tính riêng trong quý III/2023, số lượng dự án nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng bằng 124% so với quý I. Ghi nhận lượng giao dịch tăng gấp 1,5 lần so với quý II và gấp hơn 2 lần so với quý I. Trong 10 tháng năm 2023, số lượng NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công 10 dự án, với tổng số khoảng 19.853 căn hộ.

BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ. Thị trường BĐS công nghiệp tiếp tục chuyển động tích cực với nhiều lợi thế hấp dẫn làn sóng dịch BĐS công nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kỳ vọng tăng cường hợp tác từ các hiệp định thương mại, cùng hàng loạt hoạt động ngoại giao tích cực. Giá thuê tiếp tục ở mức cao, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ lấp đạt mức trên 80%.

Trong khi đó, hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm, một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện.

Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư công được triển khai, đặc biệt là dự án về hạ tầng giao thông tại một số địa phương như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đang được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng giúp thị trường BĐS phát triển một cách chất lượng, bền vững. Tuy vậy, đánh giá một cách tổng thể thì thị trường vẫn còn những khó khăn nhất định.

Những khó khăn mà ông muốn đề cập ở đây là gì?

- Những khó khăn liên quan đến pháp lý thì chúng ra đã rõ, vấn đề tôi muốn đề cập ở đây chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp BĐS. Nhìn nhận một cách khách quan “sức khỏe” của doanh nghiệp đã có dấu hiệu được cải thiện, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Điều này được thể hiện bởi số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường phục hồi tốt. Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gấp 3,5 lần giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng với các sàn giao dịch BĐS, thống kê cho thấy có 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023. Doanh nghiệp BĐS còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng và huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng...

Thị trường BĐS đã có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng.
Thị trường BĐS đã có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng.

Vậy theo ông, giải pháp trong thời gian tới là gì?

- Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự “chuyển mình” của thị trường BĐS. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường BĐS thực sự trở về trạng thái bình thường mới.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết, công điện của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết 33/NQ-CP, trong đó có 1 số nhiệm vụ làm ngay là khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Tập trung khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nhu nhập thấp có thể tiếp cận. Đồng thời xác định việc đầu tư phát triển NƠXH cho người lao động thu nhập thấp là 1 hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương, để triển khai có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, cần tăng cường tính hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của những dự án BĐS trên địa bàn. Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án BĐS, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.

Xin cảm ơn ông!