Thị trường bất động sản: Sương mù vẫn bao phủ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Quý II/2023 thị trường BĐS được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với quý I, nhưng nhìn chung “sương mù” vẫn bao trùm lên tất cả các hoạt động và cần thêm những tác động mạnh hơn để thị trường có thể “đảo chiều”.

Nguồn cung tiếp tục giảm

Theo cáo báo nghiên cứu thị trường từ Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), từ đầu năm đến nay, mặc dù nhu cầu mua bán BĐS ghi nhận tăng, nhưng nguồn cung mới sản phẩm trên thị trường tiếp tục có xu hướng giảm ở tất cả các phân khúc. Đối với phân khúc nhà ở, vẫn duy trì trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.

Một số dự án chung cư mở bán trong quý II/2023 có mức giá tăng khoảng 10% so với lần mở bán đầu tiên vào quý II/2022. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn phải duy trì việc áp dụng rộng rãi nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán sớm đến 95%, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, kéo dài thời gian thanh toán, nhận nhà sớm… nhằm kích cầu thị trường.

Quý II/2023 nguồn cung thị trường tiếp tục giảm so với quý I.
Quý II/2023 nguồn cung thị trường tiếp tục giảm so với quý I.

Đáng chú ý, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng là phân khúc ghi nhận có sự sụt giảm mạnh nhất. Tổng cung quý II chỉ bằng 55% so với quý I, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2022.  

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng cung BĐS du lịch nghỉ - dưỡng cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục tới 90% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giao dịch quý II giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng gần như gấp đôi so vơi quý I/2023. Tính tổng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch giảm khoảng 96% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, đối với BĐS văn phòng, bán lẻ cho thuê bắt đầu có hiện tượng “ế” mặt bằng cho thuê, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ. Cùng với việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc BĐS văn phòng, bán lẻ cho thuê.

Cần cơ chế đột phá

Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS ghi nhận điểm sáng ở một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh… với sự tham gia tích cực từ phía cơ quan quản lý địa phương trong công tác phê duyệt dự án, giải quyết triệt để vướng mắc của từng dự án cụ thể. Về tổng quan, thị trường BĐS quý II diễn ra như dự đoán, với những diễn tiến tích cực hơn quý I, nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.

 

Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường BĐS điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng. Để đạt được mục tiêu xoay chuyển thị trường, Luật ban hành phải bám sát yêu cầu thực tiễn, cơ quan quản lý Nhà nước cần cụ thể hóa nhiệm vụ, giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản, triển khai văn bản luật. Thực thi chính sách không hiệu quả sẽ làm chậm tiến độ, thậm chí bóp nát các dự án đang triển khai, phong tỏa toàn bộ nền kinh tế cả nước.

Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính

“Các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ đã phát huy tác dụng động viên, khích lệ, trấn an tinh thần cho các chủ thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải gấp rút chuyển sang giai đoạn tiếp theo, phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vướng mắc. Vì càng để lâu, chần chừ, càng gây nguy hiểm cho thị trường” – ông Nguyễn Văn Đính nói.

Cũng theo đại diện VARS, vấn đề vướng mắc nhất của thị trường hiện nay liên quan đến nguồn vốn – quỹ đất – chính sách, tạo thế kiềng ba chân nhưng không phải là trụ đỡ giúp thị trường vực dậy mà đang như lưới bủa vây, khiến thị trường chưa thể khởi sắc.

Vì vậy cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định đúng vị trí các điểm nghẽn và xử lý theo đúng trình tự vẫn là yếu tố cốt lõi. Bởi lẽ, nếu điểm nghẽn trước chưa thông thì việc thông điểm nghẽn sau về bản chất không giải quyết được vấn đề.

“Việc khơi thông nguồn cung cho các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân chính là chìa khóa để mở cánh cửa cho thị trường BĐS thời điểm này. Vẫn còn hiện tượng “chuyền bóng”, “đùn đẩy”, “trốn tránh trách nhiệm” trong một số bộ phận cán bộ quản lý Nhà nước khiến cho các thủ tục pháp lý bị trì trệ, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp” – Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.