Thị trường chứng khoán: Ngóng hàng “nóng” lên sàn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý II/2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục đón thêm cổ phiếu của nhiều DN có giá trị vốn hóa lớn như Techcombank, Vinhomes...

Việc thêm nhiều “ông lớn” có kế hoạch niêm yết đang nhận được sự đón nhận tích cực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. TTCK thời gian tới được kỳ vọng sẽ ngày càng sôi động và hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.
Chờ... Vinhomes, Techcombank niêm yết

Mới đây, việc Công ty CP Vinhomes và Techcombank được lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để lên sàn niêm yết thu hút khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo đó, Công ty CP Vinhomes được cấp mã chứng khoán VHM, lưu ký 2,68 tỷ cổ phiếu và sẽ lên niêm yết tại HOSE. Vinhomes cũng vừa công bố Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã mua vào 153.850.000 cổ phiếu VHM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4. Công ty đang có vốn điều lệ 26.796 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần vào thời điểm cuối năm 2017 và tương đương vốn điều lệ của VIC. Dự kiến, cổ phiếu VHM sẽ lên sàn HOSE trong quý II này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động khi đón thêm cổ phiếu của các DN có giá trị vốn hóa lớn như Vinhome, Techcombank... Ảnh: Hà Lâm

Bên cạnh VHM, mã TCB của Techcombank cũng là cổ phiếu nhận được nhiều sự chờ đợi. Techcombank đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,16 tỷ cổ phiếu lên HOSE với mã chứng khoán TCB. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng thông báo 11/5 là ngày chốt danh sách cổ đông của ngân hàng Techcombank để niêm yết trên HOSE. Trước đó, cuối tháng 4, Techcombank đã chào bán thành công 164.076.954 cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức. Với giá bán mỗi cổ phiếu là 128.000 đồng (tương đương 5,62 USD), đợt chào bán đã giúp Techcombank huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD), tương đương với mức vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD.

Theo báo cáo triển vọng năm 2018 của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), TTCK thời gian tới sẽ đón nhận nhiều cơ hội từ cổ phần hóa và niêm yết mới. Quý II thị trường đã và sẽ tiếp tục chào đón những tân binh mới lên niêm yết là TPB, FRT, TCB và Vinhomes. Trong đó, đáng chú ý Vinhomes dự kiến gọi vốn 1 tỷ USD và TCB là 900 triệu USD thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ. “Do đó, bên cạnh dòng tiền mới, dòng tiền phân bổ hiện tại trên thị trường cũng sẽ được cơ cấu lại”- báo cáo của BSC nhận định.

Dòng tiền có thể được cơ cấu lại

Dòng tiền có thể được cơ cấu lại cũng là đánh giá chung của nhiều chuyên gia phân tích về xu hướng đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam thời gian tới.

Thực tế, thời gian qua, cùng với xu hướng điều chỉnh của chỉ số VN-Index, nhà đầu tư ngoại cũng có nhiều phiên bán ròng mạnh. Trong tháng 4 và 2 tuần đầu tháng 5, làn sóng bán tháo, chốt lời mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips) thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản xuất hiện trong nhiều phiên. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng liên tục có hành động bán ròng khiến nhà đầu tư lo ngại. Mới đây, trong phiên ngày 9/5, khối ngoại tiếp tục bán ròng 298,3 tỷ đồng. Đây đã là phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt.

Đánh giá về hành động của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng 4 đến nay, các chuyên gia chứng khoán cho hay, việc khối ngoại bán ra còn có thể do họ chuẩn bị tiền đón các hàng “khủng” như Techcombank, Vinhomes… lên sàn. Ông Lê Anh Minh - Giám đốc phân tích – Công ty Chứng khoán VPBS cho biết, theo quan điểm của VPBS, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài chưa rút khỏi Việt Nam mà họ chỉ đang cơ cấu lại danh mục của mình. “Những cổ phiếu lớn sắp lên sàn như Techcombank, Vinhomes… sẽ ngốn rất nhiều vốn đầu tư của họ nên họ bắt buộc phải cơ cấu để chuẩn bị vốn cho những thương vụ lên sàn sắp tới. Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong quý I, nên không bất ngờ khi họ có hành động chốt lời để mua những mã họ cho rằng tiềm năng hơn, mang lại lợi suất cao hơn trong thời gian tới”- ông Minh đánh giá.

"Một số nhà đầu tư tham gia đợt bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của Techcombank cũng là lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Họ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu Việt Nam với đại diện chính là lớp người trẻ đang gia nhập thị trường lao động. Thêm vào đó, tỷ lệ tiếp cận tài chính ở Việt Nam còn thấp, khiến cho ngành ngân hàng trở thành một hướng đầu tư hấp dẫn".

Tổng Giám đốc Techcombank  Nguyễn Lê Quốc Anh