Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm: Mua vào hay chờ đợi?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được đánh giá là một thị trường hồi phục nhanh và mạnh nhất thế giới trong đại dịch Covid-19 nhưng rủi ro về một làn sóng dịch bệnh thứ hai cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới cũng như Việt Nam đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, “xuống tiền” tham gia thị trường như thế nào là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Số lượng tài khoản mở mới tăng vọt
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán (UBCK) cho thấy, trên 3 thị trường (HOSE, HNX, UPCoM), giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019. Trong đó, quý II/2020, thanh khoản tăng 40% so với quý I, trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên. Về chỉ số chứng khoán, VN-Index cuối tháng 6/2020 tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường (cuối tháng 3/2020), khiến TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới.
Cũng đến cuối tháng 6/2020, thị trường cổ phiếu có 1.647 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/ đăng ký giao dịch với quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch 3 sàn là gần 1.428.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2019. Dòng tiền cũng chảy mạnh trên thị trường trái phiếu với thanh khoản bình quân đạt trên 9.850 tỷ đồng/phiên, tăng 7% so với năm 2019. Thị trường trái phiếu có 493 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 470 mã trái phiếu Chính phủ và 23 mã trái phiếu DN) với giá trị niêm yết đạt 1.200.000 tỷ đồng, tương đương 19,9% GDP.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm ghi nhận số lượng tài khoản mở mới trong nước tăng vọt. Ðúng giai đoạn đỉnh dịch, từ tháng 3 đến tháng 6, thị trường có thêm 137.000 tài khoản được mở. Ðến cuối tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.
 Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn giao dịch chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Dù thị trường có những tín hiệu tốt giữa “bão” Covid-19, tuy nhiên, hoạt động huy động vốn trên TTCK Việt Nam lại thể hiện một bức tranh khá trái ngược. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, huy động vốn có xu hướng chậm lại, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh này, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư vẫn đón nhận hàng loạt thông tin tiêu cực từ làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19 tiếp tục gây tổn hại đến nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tâm lý của các nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị tác động mạnh, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến thị trường đang phụ thuộc lớn vào dòng tiền của các “nhà đầu tư F0” ít kinh nghiệm và dễ bị tổn thương.
Thận trọng “xuống tiền”
Phía đại diện UBCK cũng nhìn nhận, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều nước, cuộc khủng hoảng này chưa đoán định được bao giờ sẽ kết thúc khi chưa tìm được vaccine phòng chống dịch Covid-19. Do đó, TTCK thế giới cũng như Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức và khó đoán định.
“Dịch Covid-19 và những ảnh hưởng của nó tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Các ngành sản xuất của chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài không nhập được, có sản xuất được hàng thì xuất khẩu gặp vấn đề. Các DN mà sự vận hành phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, mặc dù Chính phủ cũng cố gắng mở các chuyến bay đặc biệt đưa họ vào nhưng nhu cầu chưa đủ. Rồi đầu tư, ai cũng lo chống dịch, lo giữ tiền ở nước họ chứ tạm thời chưa nghĩ đến đầu tư sang Việt Nam” - đại diện UBCK nhìn nhận.
Từ những khó khăn này, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng khi đưa ra quyết định “xuống tiền” bởi thị trường chuẩn bị đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ trong tháng 8 khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đã qua. Ở góc nhìn thận trọng, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến cáo nhà đầu tư nên để dành một phần sức mua cho trường hợp thị trường xảy ra kịch bản xấu hơn. Chiến lược ngắn hạn trong mùa công bố kết quả kinh doanh, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân trong các nhịp điều chỉnh và hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm.
Ngược lại, thị trường từ nay đến cuối năm được đánh giá là vẫn có nhiều điểm sáng lạc quan. Theo Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng, TTCK Việt Nam còn nhiều điểm tựa đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế và công tác kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. “Nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được khống chế tốt như hiện nay, TTCK về cơ bản sẽ được hậu thuẫn tích cực do các DN chỉ chịu tác động từ yếu tố bên ngoài” - ông Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, VNDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2020 giúp GDP cả năm đạt mức tăng trưởng 4,5%. Động lực chính nhờ sự hồi phục của các ngành sản xuất và tăng giải ngân đầu tư công, trong bối cảnh các chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng và tỷ giá USD/ VND ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,2%.
Chuyên gia thuộc khối phân tích của VNDirect ước tính lợi nhuận của các DN trên toàn VN-Index sẽ giảm 5 - 6% so với cùng kỳ. “VN-Index có thể duy trì ở mức định giá hiện tại và dự báo VN-Index ở mức khoảng 840 - 920 điểm vào cuối 2020”- chuyên gia thuộc VNDirect cho biết. Theo VNDirect, các ngành phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng, đặc biệt là ngành tiêu dùng, bán lẻ, điện, hàng không, công nghệ trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên mua vào trong những nhịp điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro”- báo cáo của công ty này nhận định.
Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết, cơ quan này sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa và cải cách thủ tục hành chính tốt hơn để hỗ trợ tối đa cho DN và nhà đầu tư. Ngoài ra, UBCK đặt trọng tâm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, trong đó có việc xây dựng các văn bản quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán; Xây dựng Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021- 2030; Triển khai Ðề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam…

"Nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường có thể khiến các nhà đầu tư hoang mang nhưng đây lại là vùng mua tiềm năng cho nhịp tăng có thể diễn ra trong quý IV/2020 khi các rủi ro về dịch bệnh giảm bớt và các nền kinh tế dần lấy lại đà hồi phục. Vùng hỗ trợ xoay quanh ngưỡng 780 điểm sẽ là vùng cân bằng tích lũy chọn lọc cơ hội ở những ngành tiềm năng" - Đại diện Công ty Chứng khoán MBS


"Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của TTCK Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để được nâng hạng trước năm 2023 khi uy tín của Việt Nam trên thế giới và tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng lớn" - Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng