Thị trường chứng khoán Việt "bay hơi" hơn 7 tỷ USD: Cẩn trọng trong đầu tư ngắn hạn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/2, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khởi đầu tuần mới với một kết quả không thể xấu hơn. VN-Index đóng cửa phiên tại 1.049,33 điểm, giảm 56,33 điểm, tương ứng 5,1%.

Đây là mức giảm điểm mạnh thứ 3 trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam, đứng sau phiên giao dịch ngày 24/8/2015 (VN-Index giảm 5,28%) và phiên 8/5/2014 (VN-Index giảm 5,87%). Còn với HNX-Index, mức giảm 4,06% đưa chỉ số này lọt top 10 phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử.
 Khách hàng theo dõi thông tin tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Trên HOSE có 43 mã tăng, 198 mã giảm (71 mã giảm sàn) và 36 mã đứng giá. Trên HNX, 42 mã tăng trong khi có 145 mã giảm (39 mã giảm sàn) và 154 mã đứng giá. Trong nhóm VN 30 phiên chỉ có NVL CTD và ROS duy trì được sắc xanh. Đáng chú ý hơn, kết thúc phiên giao dịch, tổng giá trị vốn hóa cả hai sàn chỉ còn 3.065,779 tỷ đồng, giảm 161,427 tỷ đồng so với đóng cửa phiên cuối tuần trước (2/2). Vốn hóa thị trường Việt Nam ngày 5/2 đã “bay hơi” khoảng 7 tỷ USD.

"Chúng tôi đã đi hỏi ý kiến của những chuyên gia hàng đầu phố Wall, những nhà quản lý quỹ lớn trên thế giới thì nhận được câu trả lời rằng năm 2018 sẽ là năm fully invest – có nghĩa là đầu tư bằng mọi thứ đang có. Điều này cho thấy một xu thế tăng trưởng sẽ diễn ra trong năm tới, mặc dù không thể đặt kỳ vọng về mức tăng 50% như năm 2017, nhưng tin tưởng rằng năm tới thị trường sẽ tiếp tục tích cực." - Giám đốc điều hành CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) Trần Thanh Tân


"Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục nới rộng đà tăng nhờ sự hưng phấn của dòng tiền ở các cổ phiếu trụ cột. Diễn biến của chỉ số trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhịp giảm cho thấy ngưỡng 1.000 điểm là mức hỗ trợ tâm lý khá vững cho VN-Index." - Chuyên gia kinh tế  Nguyễn Minh Phong

Trong đó, nhóm cổ phiếu lớn chính là nhóm sụt giảm mạnh nhất như GAS vốn hóa giảm 16.000 tỷ đồng, VCB xấp xỉ 17.000 tỷ đồng, BID hơn 8.000 tỷ đồng, PLX khoảng 7.000 tỷ đồng hay SAB mất 5.000 tỷ đồng…

Việc thị trường giảm mạnh có nguyên nhân bởi ảnh hưởng từ diễn biến các TTCK thế giới cũng như trong khu vực. Kết thúc tuần trước (ngày 2/2), TTCK Mỹ giảm mạnh, chỉ số Dow Jones lao dốc gần 666 điểm, đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Một chuyên gia phân tích cho biết, đà sụt giảm trên TTCK Mỹ còn có khả năng tiếp tục và sẽ tác động đến hầu hết các TTCK khác.

Đến trưa ngày 5/2 theo giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 602.57 điểm (tương ứng 2,59%), trong khi Hang Seng của Hồng Kông lao dốc 580,11 điểm (tương ứng 1,78%). Trên TTCK Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 1,53%; ASX 200 của Australia hạ 1,57%. “TTCK thế giới giảm điểm mạnh cùng tâm lý chốt lời cận Tết, nhà đầu tư ngắn hạn thận trọng tránh hưng phấn” - báo cáo khuyến nghị nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho hay.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, hiện nay, giai đoạn cận kề Tết được xem là thời điểm khó khăn của thị trường do hai yếu tố chính tác động. Đó là tỷ lệ cho vay margin ở tất cả các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, với quy mô thị trường đang tăng cao như hiện nay thì nguồn vốn cho vay vẫn không theo kịp và trở thành bước cản đà tăng của thị trường. Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư cận Tết muốn nghỉ ngơi sau một năm đạt được thành quả nên chốt danh mục. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lại thực hiện bán ra để chờ mua lại trong những ngày cận Tết với kỳ vọng giá rẻ hơn. Vì vậy, họ có hành động sớm hơn. Nếu như mọi năm sự điều chỉnh của TTCK diễn ra rất cận Tết (khoảng 3 - 5 ngày) thì năm nay lại trước hai tuần. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn điều chỉnh theo thông lệ trước Tết và nó sẽ kéo dài vài ngày chứ không thể kéo dài lâu hơn. Thị trường gần Tết năm nay có khả năng sẽ có nhiều khác biệt. Đặc biệt sẽ có những giao dịch rất lạ, rất tốt từ thanh khoản cho đến giá cổ phiếu” - ông Điệp nói thêm.

Theo dự báo, thời gian tới, nhóm cổ phiếu dầu khí có sự điều chỉnh mạnh do giá dầu thế giới đang giảm ngắn hạn trong xu hướng tăng. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý IV/2017 của một số DN dầu khí không đạt như kỳ vọng của thị trường.

"Với góc nhìn ngắn hạn, chúng tôi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng cho nhịp tăng trở lại và có thể sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang hẹp quanh mốc 1.100 điểm. Trong đó, tâm lý nghỉ lễ có thể sẽ tiếp tục tăng cường và gây cản trở những nỗ lực tăng giá của thị trường trong thời gian tới. Ngưỡng hỗ trợ gần của chỉ số VN-Index đang được xác định tại 1.090 – 1.095 điểm trong khi kháng cự gần tồn tại ở 1.122 – 1.128 điểm." - Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT


"Nhìn chung, áp lực điều chỉnh của thị trường có thể là vẫn còn, phiên tăng điểm cuối tuần trước có thể chỉ là tín hiệu nhiễu, rủi ro đối với các vị thế ngắn hạn có thể vẫn ở mức cao. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc thận trọng với các quyết định giải ngân mới cho vị thế ngắn hạn." - Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng