Thị trường dầu giao dịch ảm đạm trong tuần

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá hai loại dầu chủ chốt Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm lần lượt 2,5% và 3,9% tính chung trong tuần qua do mức tồn kho toàn cầu vẫn cao bất chấp những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Mặc dù thị trường dầu thế giới có hai phiên tăng giá, tuy nhiên dầu Brent Biển Bắc và dầu ngọt nhẹ WTI vẫn chứng kiến tuần giảm thứ sáu trong bảy tuần qua.
Trong phiên giao dịch ngày 3/7, giá “vàng đen” tăng sau khi các dữ liệu thể hiện hoạt động khai thác dầu thô của Mỹ lần đầu tiên suy giảm trong nhiều tháng qua. Số giàn khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên trong 23 tuần qua giảm 2 giàn xuống còn 756 giàn.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên giao dịch ngày 4/7, giá dầu giảm khoảng 4% trong ngày 5/7, do lượng dầu xuất khẩu của OPEC tăng và đồng USD phục hồi khiến thị trường đẩy mạnh hoạt động bán ra. Nghiên cứu của Thomson Reuters cho biết, lượng dầu xuất khẩu của OPEC đã đạt mức 25,92 triệu thùng/ngày trong tháng 6, tăng 450.000 thùng/ngày so với tháng 5 và 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác đã thống nhất kéo dài thỏa thuận giảm sản xuất thêm 9 tháng, đến tháng 3/2018, nhưng duy trì mức giảm sản lượng là 1,8 triệu thùng/ngày như cam kết đạt được vào tháng 11/2016.
 Giá hai loại dầu chủ chốt Brent Biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm lần lượt 2,5% và 3,9% tính chung trong tuần qua. 
Giá dầu quay đầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày tiếp theo nhờ thị trường toàn cầu được hỗ trợ từ thông tin về dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm. Theo báo cáo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tới 6,3 triệu thùng, nhiều hơn mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng dầu của các chuyên gia, xuống mức 502,9 triệu thùng trong tuần tính đến 30/6, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Sang phiên giao dịch cuối tuần (7/7), giá dầu ngọt nhẹ WTI lại đi xuống do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng cân bằng thị trường dầu toàn cầu của các thành viên trong và ngoài OPEC, sau khi số liệu mới được công bố cho thấy sản lượng dầu và số giàn khoan của Mỹ tăng.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ tăng 7 giàn lên 763 giàn trong tuần này, ngược lại với dự báo trước đó là số giàn khoan sẽ tiếp tục giảm theo đà của tuần trước.
Bên cạnh đó, số liệu của EIA chỉ ra tổng sản lượng của Mỹ tăng 88.000 thùng lên 9.338 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho rằng rằng nếu thị trường có cơ hội tái cân bằng trong năm tới thì dầu đá phiến của Mỹ có lẽ cần phải giảm khoảng 150 giàn khoan.
Ngân hàng Morgan Stanley cũng cảnh báo tình trạng dư thừa sẽ vẫn xảy ra trong năm 2018, đồng thời hạ dự báo giá dầu của 2 quý tiếp theo trong năm nay với cả 2 loại dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI. Các nhà phân tích đã hạ dự báo giá dầu ngọt nhẹ WTI trong những tháng tới xuống còn 48 USD/thùng từ mức 55 USD/thùng, dầu Brent sẽ giảm xuống còn 50,5 USD/thùng từ mức dự báo trước đó 57,5 USD/thùng.