Thị trường dầu thế giới đối mặt nhiều áp lực giảm giá

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu giảm sâu sau khi đón nhận dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc - nước nhập khẩu “vàng đen” hàng đầu thế giới, và những tín hiệu trái ngược từ OPEC+ trước thềm cuộc họp chính sách.

Trong phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 8 hạ 28 xu Mỹ, xuống còn 73,43 USD/thùng. Ảnh: AP
Trong phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 8 hạ 28 xu Mỹ, xuống còn 73,43 USD/thùng. Ảnh: AP

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, giá dầu tiếp tục lao dốc do lo ngại nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc suy yếu khi dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế số hai thế giới đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 8 hạ 28 xu Mỹ, xuống còn 73,43 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng sụt 26 xu Mỹ, về mức 69,20 USD/thùng. Hai mặt hàng dầu này đều lao dốc hơn 4% khi đóng cửa phiên ngày 30/5. Giá dầu Brent hợp đồng giao tháng 7 và giá dầu WTI đang trên đà giảm lần lượt hơn 7% và 9% trong tháng 5.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) là 48,8 điểm trong tháng 5. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng về mức 51,4 và mức 49,2 của tháng trước. Số liệu trên 50 điểm cho thấy hoạt động mở rộng sản xuất trong tháng, trong khi số liệu mới nhất thể hiện sự thu hẹp.  

Chuyên gia Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Commonwealth Bank of Australia (một ngân hàng đa quốc gia của Australia), nhận định với Reuters: “Các nhà giao dịch lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm mạnh khi số liệu mới nhất cho thấy sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc suy yếu trong tháng thứ hai liên tiếp. Tâm lý bi quan hiện tại về triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với dự báo lạc quan được giới chuyên gia đưa ra đầu năm nay”.

Dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc đã lấn át tiến triển tích cực về thỏa thuận trần nợ công của Mỹ.

Ngày 30/5, dự luật về vấn đề nâng mức trần nợ công  31,4 nghìn tỉ USD của Mỹ, do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nỗ lực đạt được, đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện.

Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 31/5 (theo giờ Mỹ). Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.

Theo chuyên gia Vivek Dhar, nếu được Quốc hội thông qua, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ không cần phải đàm phán lại về trần nợ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Tín hiệu trái ngược từ OPEC+

Những tín hiệu trái ngược mà các nhà sản xuất lớn trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+), phát đi đã gây áp lực đối với giá dầu trước thềm cuộc họp chính sách vào cuối tuần này.

Theo kế hoạch, các nước OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 4/6 để thảo luận về việc có cắt giảm thêm sản lượng hay không.

Hồi tháng 4 vừa qua, liên minh OPEC+ đã gây bất ngờ với quyết định cắt giảm thêm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày nhằm đẩy giá dầu lên. Quyết định này cùng với thỏa thuận giảm sản lượng trước đó đã nâng tổng khối lượng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tuần trước đã cảnh báo những người đầu cơ, cho rằng họ sẽ bị thiệt hại. Cảnh báo này được một số nhà đầu tư cho là dấu hiệu cho thấy OPEC+ có thể cân nhắc tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng.

Tuy nhiên, giới chức Nga, bao gồm Phó Thủ tướng Alexander Novak lại phát tín hiệu rằng nước này nghiêng về giữ nguyên thỏa thuận sản lượng hiện tại.

Phó Thủ tướng Novak nhận định OPEC+ sẽ không có động thái mới tại cuộc họp sắp tới, khi đã có những quyết định được đưa ra một tháng trước về việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số nước.

Cũng trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng giá dầu đang tiến gần đến mức "hợp lý về mặt kinh tế", và nhiều khả năng các nước OPEC+ sẽ không có sự điều chỉnh ngay đối với chính sách sản lượng.