Thị trường mua bán nợ: Loay hoay gỡ nút thắt hành lang pháp lý

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung dồi dào, nhu cầu mua nợ cũng cao nhưng thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển, việc mua bán nợ vẫn khó khăn do nhiều rào cản về chính sách, thiếu hành lang pháp lý dẫn đến sự tham gia của các chủ thể còn hạn chế, thiếu các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức...

Đó là ý kiến đã được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các công ty quản lý tài sàn công quốc tế lần thứ 4 (IPAF) do Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) - Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11.
Nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo

Số liệu từ DATC, hiện nguồn cung cho thị trường mua bán nợ đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng, bằng 125% GDP, trong đó, nợ xấu và nợ tiềm ẩn khoảng 8,61%, tương đương 566.000 tỷ đồng. Trên thị trường này, hiện ngoài Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và DATC còn có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại và khoảng 30 công ty mua bán nợ tư nhân.
Theo một số đại biểu, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các TCT và NHNN.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh số mua bán nợ của các tổ chức này còn rất thấp so với con số nợ xấu đang tồn tại trên thị trường. Nguyên nhân là do thị trường mua bán nợ còn thiếu hành lang pháp lý, nên sự tham gia của các chủ thể còn hạn chế, thiếu các nhà môi giới, định giá tài sản chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức...
Hiện các tổ chức tín dụng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, năm 2018 dự kiến xử lý được khoảng 20 - 30%, đến cuối năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC) xuống dưới 3%.
Phó Trưởng ban phụ trách, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) Lê Việt Dũng cho biết, trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các đơn vị tổ chức tín dụng. Theo đại diện NFSC, nợ xấu theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ tính đến các khoản nợ xấu nội bảng, còn các khoản nợ được cơ cấu lại, nợ tiềm ẩn cũng rủi ro như nợ xấu thì không được tính vào. Vì thế mà con số trong báo cáo của NHNN đang thấp hơn con số thực tế, nếu cộng các khoản nợ tiềm ẩn thì nợ xấu sẽ thay đổi đáng kể.

Thực tế, quá trình xử lý nợ xấu có chuyển biến rõ nét kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42. Theo đó, hàng loạt cơ chế được áp dụng như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, cho phép bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc... Nhờ đó, kết quả xử lý nợ xấu trong giai đoạn từ 2012 đến nay đã có những kết quả tích cực, tổng nợ xấu đã xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2017 đạt 120 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu đã bán cho VAMC khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Cần “tiền tươi” để mua nợ xấu

Phát biểu tại Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, kinh nghiệm ở hầu hết quốc gia cho thấy, các công ty mua bán nợ thường mua lại nợ xấu của ngân hàng bằng “tiền tươi, thóc thật” và sau đó tìm cách xử lý khoản nợ này chủ yếu bằng cách mua bán nợ theo thoả thuận. Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay lại bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt. Vì thế, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Phạm Tiến Đạt, nợ chỉ được mua theo giá trị sổ sách và bị động trong xử lý thu hồi nợ. VAMC không phải trích lập dự phòng khi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và cũng không chịu áp lực nợ xấu.

Cụ thể, tại châu Á, nhiều nước đã thành công với mô hình xử lý nợ xấu bằng "tiền tươi". Năm 1997, Quỹ giải quyết nợ xấu của Hàn Quốc được thành lập, với phương pháp giải quyết nợ xấu là đấu thầu quốc tế và thoái vốn cổ phần cho bên thứ ba bằng hình thức đấu giá công khai, đến cuối năm 2012 đã thu hồi được 47 nghìn tỷ KRW.

Các chuyên gia khẳng định, để xử lý nợ xấu cần thiết phải phát triển thị trường mua bán nợ. Trong khi đợi khuôn khổ pháp lý hình thành, cần phải phát huy vai trò chủ đạo của tổ chức mua bán nợ như VAMC, DATC, tạo điều kiện để thị trường hoạt động và thu hút các chủ thể mới tham gia, đa dạng hoá các sản phẩm nợ và phương thức xử lý nợ.