Thị trường ngày Rằm tháng Giêng: Cung dồi dào, sức mua yếu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" vì vậy, những ngày qua, các gia đình đã chuẩn bị đồ cúng chu đáo. Năm nay, điều đáng ghi nhận là giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm không tăng đột biến, dù nhu cầu tiêu thụ tăng.

Rau xanh, thực phẩm tươi sống không tăng giá
Ghi nhận tại các chợ dân sinh như Châu Long, Thành Công, Kim Liên cho thấy, giá rau xanh những ngày này không đắt hơn trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2017. Cụ thể, những loại rau tiêu thụ nhiều trên thị trường như cải bắp 10.000 - 12.000 đồng/kg; su hào 5.000 đồng/củ, súp lơ 10.000 đồng/chiếc, rau cần 8.000 đồng/mớ... Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống giá bán cũng khá ổn định. Hiện thịt bò các loại giá bán từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 100.000 đồng/kg, nạc vai 90.000đồng/kg, sườn thăn 100.000 - 110.000 đồng/kg...
 Mua bán thực phẩm tại chợ Hôm. Ảnh: Việt Dũng
Tuy nhiên, một số loại hoa quả do đã vào cuối vụ thu hoạch nên biến động tăng từ 15 - 20% so với ngày bình thường. Chị Thu Lan kinh doanh hoa quả tại chợ Thành Công cho biết: Hiện xoài tùy vào kích cỡ có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, dưa hấu 20.000 - 22.000 đồng/kg, cam Cao Phong 45.000 - 50.000 đồng/kg, vú sữa 80.000 đồng/kg, xoài Thái Lan 80.000 - 82.000 đồng/kg... Trong lễ cúng Rằm tháng Giêng, hoa là mặt hàng không thể thiếu nhưng hiện giá giảm mạnh so với trước Tết Nguyên đán.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống ngày 1/3 (14 tháng Giêng Âm lịch) cho thấy, mặc dù giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hải sản không tăng, thậm chí có mặt hàng giá giảm nhưng sức mua ở mức cầm chừng không như các hộ kinh doanh mong muốn.

Nói về giá cả các mặt hàng thực phẩm, rau xanh trong những ngày sau Tết, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú đánh giá: Thực tế trên cho thấy với việc huy động DN tham gia chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội chủ động dự trữ hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán đã có tác dụng không nhỏ kiềm chế hiện tượng tăng giá đột biến.

Đồ phóng sinh - cỗ chay tăng giá

Trong khi các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh không tăng giá thì mặt hàng cỗ chay, động vật phóng sinh như chim, cá vàng, ốc, lươn... giá bán lại tăng chóng mặt.

Ghi nhận của phóng viên tại các cửa hàng bán chim phóng sinh trên phố Hoàng Hoa Thám, giá chim ri khoảng 40.000 đồng/cặp, chim sẻ là khoảng 40.000 - 50.000 đồng/cặp, cao gần như gấp đôi so với ngày thường. Tại các chợ truyền thống, ốc phóng sinh cũng tăng giá khá cao so với thường ngày, khoảng 50.000 đồng/rổ ốc nặng khoảng 1,5kg. Lươn phóng sinh được bán ở các khu chợ đầu mối với giá 30.000 đồng/con, cá vàng phóng sinh giá 5.000 - 10.000 đồng/con, các loại cá lớn như cá trắm, cá trê giá từ 40.000 - 100.000 đồng/con...

Dịp Rằm tháng Giêng để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới, nhiều người có xu hướng chuyển sang đồ ăn chay, khiến giá cả mặt hàng này đắt hơn trước Tết khoảng 25 - 30%.
Hiện giá một mâm cỗ chay cúng ngày Rằm gồm 10 món: Nem nấm vừng đen, chả nấm thì là, chả làm từ đậu gà, đậu phụ non sốt me, giò xào nấm tươi (giò lụa), nộm rau tiến vua, rau củ luộc, hạt đậu gà kho tiêu, canh ngô ngọt ngũ sắc, cà ri chay có giá khoảng 500.000 đồng cho 6 - 8 người ăn và 650.000 cho 10 - 12 người ăn. Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh Huyền (quận Đống Đa), chuyên làm cỗ chay cho biết: Do đầu năm nguyên liệu làm đồ chay chưa nhiều, giá lại biến động nên nhà hàng buộc phải tăng giá bán.