Thị trường thực phẩm chức năng, thật giả lẫn lộn cơ quan quản lý lúng túng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân tăng nhanh. Lợi dụng thực tế này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng nhưng lại dán mác nhập ngoại, lừa đảo người tiêu dùng.

Nhan nhản thực phẩm chức năng giả mạo

Thị trường TPCN dạng thuốc bổ, sử dụng hỗ trợ cho điều trị bệnh đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người dân tăng cao. Lợi dụng điều này hàng loạt loại TPCN ra đời, số lượng tăng vọt thật giả lẫn lộn, trong khi đó năng lực quản lý và nhận thức của người tiêu dùng lại không tương xứng với nhau... dẫn đến thị trường bị thả nổi.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả mạo tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả mạo tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam

Cuối tháng 5 vừa qua Đội Quản lý thị trường số 1 và số 25 (Cục  Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất căn nhà cấp 4 tại xã Tiên Phương (Chương Mỹ) đã phát hiện 12.000 lọ TPCN giả.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện công nhân đang dán các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA… lên vỏ hộp cùng  tem chống hàng giả lên sản phẩm. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại Việt Nam nhưng các vỏ hộp thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả của Việt Nam.

Thực tế cho thấy,  TPCN không chỉ có mặt tại các quầy tân dược mà còn được chào bán tràn lan trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... với những lời quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị còn sử dụng hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm.

Thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam
Thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, thị trường TPCN tại Việt Nam có hơn 20.000 loại sản phẩm phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh đến làm đẹp... trong đó 60% là sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh. “Có sản phẩm không có hoạt chất chính hoặc hoạt chất không được phép sử dụng sản xuất TPCN” - ông Phong thông tin.

Luật chưa theo kịp thực tế

Thông tin về những thủ đoạn che dấu hoạt động sản xuất TPCN giả mạo nguồn gốc xuất xứ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, sai phạm chủ yếu là doanh nghiệp mua sản phẩm rời từ nước ngoài về Việt Nam đóng hộp tiêu thụ nhưng không qua kiểm tra chất lượng. Để đánh lạc hướng sự chú ý cơ quan chức năng, đối tượng sản xuất TPCN giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng đã lợi dụng sự quản lý an ninh chặt chẽ của khu chung cư, hoặc chọn những căn nhà nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để hoạt động sản xuất hàng giả. Để xóa dấu vết nơi sản xuất, mọi thông tin, giao dịch mua hàng đều thực hiện thông qua mạng xã hội, vận chuyển thông qua ship code.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả mạo tại khu đô thị GoldMark City (quận Bắc Từ Liêm) . Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả mạo tại khu đô thị GoldMark City (quận Bắc Từ Liêm) . Ảnh: Hoài Nam

Nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hàng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.

“Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý TPCN nhưng việc kiểm tra, xử lý không hề dễ dàng, bởi chưa có Nghị định về quản lý TPCN mà chỉ có Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định việc thi hành một số điều luật của Luật An toàn thực phẩm. Ngay cả Bộ Y tế, cơ quan quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý TPCN, điều này đã gây khó cho lực lượng QLTT trong việc giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán sản phẩm này ”–ông Hùng thông tin.

 

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, thị trường TPCN đang phát triển nở rộ với hơn 4000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN nhưng chỉ có khoảng 300 (chưa đến 10%) là đủ điều kiện sản xuất, thậm chí nhiều đơn vị sản xuất TPCN giả.

Chia sẻ về vấn đề bùng nổ các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh TPCN, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng cho biết, hiện internet phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và mua bán TPCN.

Lợi dụng vấn đề này, đơn vị sản xuất TPCN phát triển mạnh bởi lợi nhuận từ mặt hàng này lớn, trong khi điều kiện để cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường đơn giản hơn so với thuốc tân dược.

Thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam
Thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam

Thị trường TPCN phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác.

Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang thương hiệu nào đó thì lập tức cho dán nhãn mác giả. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất TPCN giả nhãn mác là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia.

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Đức Lê thông tin, không chỉ quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, Bộ Y tế còn thả nổi quản lý mặt hàng này. Với các sản phẩm đơn thuần, doanh nghiệp công bố chất lượng 100% nhưng khi giám định chất lượng sản phẩm chỉ đạt 30 - 40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng việc chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm TPCN hoặc kém chất lượng lại không hề dễ dàng, bởi phải có kết quả giám định và phải có kinh phí thực hiện.

“Để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, kiên quyết thu hồi, dừng cấp phép có thời hạn doanh nghiệp sản xuất TPCN giả nhãn mác hoặc sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố” - ông Nguyễn Đức Lê kiến nghị.