Thị trường tiền tệ: Chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin qua phân tích các gói kích thích kinh tế trên thế giới và trong nước của chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giải pháp kích thích kinh tế của các quốc gia

Từ tháng 2 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo phân tích của SSI, thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán, vàng đã có những phiên chao đảo do tâm lý nhà đầu tư lo sợ rủi ro.
 Biểu đồ diễn biến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất điểu hành trên thị trường mở của NHNN. Nguồn NHNN và SSI.
Cụ thể, phiên thứ 2, ngày 9/3 vừa qua vàng đã tăng lên trên mốc 1.700 USD/oz - mức đỉnh 7 năm; trong khi chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (Dola-index) cũng tăng lên sát mốc 100, đi ngược với quy luật thông thường là khi USD tăng thì giá vàng giảm. Lợi tức trái phiếu Chính phủ (TPCP) Mỹ đảo ngược, kỳ hạn 3 tháng cao hơn khá nhiều lợi tức các kỳ hạn 10 năm trở xuống. Đồng yên Nhật bản (JPY) lấy lại vị trí đồng tiền trú ẩn hàng đầu khi tăng 0,54% trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD.
Tuy nhiên, ngay sau phiên thị trường cổ phiếu tại Mỹ cũng như nhiều khu vực giảm mạnh vào ngày đầu tuần, thì hàng loạt những phân tích về các gói kích thích kinh tế được các ngân hàng trung ương đưa ra đã giúp nhà đầu tư bình tĩnh trở lại.
Theo SSI, thời gian qua, biện pháp nới lỏng tiền tệ tiếp tục được sử dụng nhằm kích thích kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm một loạt các lãi suất điều hành, tăng tỷ giá tham chiếu, bơm mạnh tiền trên thị trường mở. Các ngân hàng Nga, Thái Lan, Philippines, Indonesia… và mới đây là Mỹ, Úc, Malaysia, Canada cũng đã cắt giảm lãi suất. 
Tuy nhiên, năm 2019 các quốc gia đã nới lỏng mạnh nên dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều. Các Chính phủ cũng đã xem xét phải hướng đến các chính sách tài khóa như tăng chi tiêu chính phủ và giảm thuế. Thực tế, Chính phủ Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4,6 tỷ USD; Chính phủ Nhật Bản chi 93,8 triệu USD; Malaysia miễn thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong ngành du lịch; Hàn Quốc đang trình Quốc hội gói ngân sách bổ sung… Tuần tới, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có dự kiến sẽ cắt giảm thêm 1 lần lãi suất nữa trong kỳ họp tháng 3 để kích thích kinh tế; Chính phủ nước này có thể sẽ cắt giảm thuế cho DN.

Những giải pháp ổn định thị trường tiền tệ, kích thích kinh tế của Việt Nam

Đối với Việt nam, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cả phía cầu lẫn phía cung đang tạo sức ép lớn đến tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Thực tế, kể từ tuần giáp Tết Nguyên đán đến nay, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền khỏi lưu thông. Số dư tín phiếu đã lên tới 120 nghìn tỷ đồng - là mức cao nhất kể từ 7/2018 đến nay. Thông qua thị trường mở, NHNN đã hút ròng gần 95 nghìn tỷ đồng trong tháng 2, tương đương với lượng tiền VND đã bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1/2020.

Thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM) trên liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2.

Chốt tháng 2 lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25%/năm, giảm 0,83% và kỳ hạn 1 tuần còn 2,53%/năm, giảm 0,92%. Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3 này.
 Diễn biến của tỷ giá VND/USD và tỷ giá điều hành của NHNN. Nguồn NHNN và SSI.
Ngoài hạ lãi suất liên ngân hàng, NHNN tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất; rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ… với các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nhiều NHTM như BIDV, VCB, HDBank, ABBank, ACB… đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã công bố sẽ tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng lãi suất thấp và gói hỗ trợ tài khóa (hoãn, giãn về tài chính) gần 30 nghìn tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã và sẽ giảm đáng kể trong khi đó lãi suất huy động hiện vẫn không có nhiều thay đổi. Lãi suất tiền gửi điều chỉnh giảm từ 0,1-0,3%/năm ở một số ngân hàng.

Theo dự báo của SSI, với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, kết hợp với khả năng giãn lộ trình đáp ứng các tỷ lệ an toàn, lãi suất tiền gửi có khả năng giảm trong những tháng tới.

Tỷ giá có đợt sóng tăng trong tháng 2 và và đầu tháng 3 có một vài phiên, sau 6 tháng ổn định nhưng không quá đáng lo ngại.
 Theo phân tích của SSI, mặc dù tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay đã tăng, nhưng với chính sách điều hàng của NHNN và chính sách vĩ mô thì VND chưa có cơ sở mất giá. Ảnh minh hoạ.
Theo SSI, tháng 2, tỷ giá VND/USD trong các ngân hàng đã tăng 28 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã nhích tăng 0,27% nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018. Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019. Dịch bệnh khiến xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng tăng chậm, do đó cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định.

Quyết định giảm lãi suất 0,5% đồng USD của Fed đã khiến đồng USD trên thị trường quốc tế hạ nhiệt đồng thời sẽ kéo giảm lãi suất USD trong nước thời gian tới.

Nhận định của SSI, nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa, do đó chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND. Diễn biến tỷ giá trong năm 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá. Việc ổn định tỷ giá, cùng với chính sách vĩ mô điều hành linh hoạt của Chính phủ, giải pháp kiểm soát dịch bệnh được tăng cường mạnh mẽ đồng lòng ở các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và người dân sẽ giúp kinh tế nhanh chóng bình phục trở lại.