Thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Học giỏi cũng không được chủ quan

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên toàn TP Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, TP có đủ các loại hình trường học, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh hiện nay. Tuy nhiên, việc ôn tập củng cố kiến thức đến thời điểm này đối với học sinh cần nghiêm túc, không nên có tâm lý chủ quan.

 Giờ lên lớp học sinh trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Quỳnh Anh

Không quá lo lắng
Năm 2020, toàn TP có gần 89.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10, còn khoảng 15.000 học sinh không đăng ký dự thi, nhiều hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Qua rà soát, thống kê về nguyện vọng học tập, những học sinh này đã đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại đăng ký theo học ở 38 trường trung cấp nghề.
Năm học này, Hà Nội sẽ có hơn 104.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT là 88.928 em. Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhận định, với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi vào lớp 10, thì sẽ có 65.000 học sinh đỗ. Như vậy, tỷ lệ đỗ rất lớn nên học sinh không nên quá lo lắng. Thực tế, vấn đề tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội có độ “nóng” phân vùng rất rõ rệt. Tức là cuộc đua vào lớp 10 thực sự căng thẳng ở một số trường nhất định, khu vực nội đô, có bề dày thành tích và đối với các trường chuyên. Còn trải rộng trên địa bàn cả TP nói chung thì không phải khu vực nào cũng căng thẳng. Thêm vào đó, TP có đủ các loại hình trường, cộng với kết quả bước đầu của quá trình phân luồng học sinh lớp 9, hiện nay, đã có những học sinh mạnh dạn chọn học nghề.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường THPT công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập có thể lựa chọn phương án tuyển sinh. Phương án 1 là xét tuyển dựa vào kết quả trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức. Phương án 2 là xét tuyển bằng học bạ cấp THCS. Qua thống kê, trong tổng số 105 trường công lập tự chủ tài chính và tư thục, có 12 trường xét tuyển lớp 10 dựa vào kết quả thi; 91 trường xét tuyển bằng học bạ và 2 trường sử dụng kết hợp cả 2 phương thức. Ngoài ra, một số trường công lập tự chủ tài chính có số lượng thí sinh ứng tuyển đông vẫn tổ chức thi tuyển riêng, như THPT Nguyễn Tất Thành.
Nhưng phải tránh tâm lý chủ quan
Dù tỷ lệ đỗ lớp 10 cao nhưng thời điểm này, học sinh vẫn cần tập trung ôn thi nghiêm túc, tránh tâm lý chủ quan, nhất là với những em đã tham khảo và đã làm những bài thi môn chuyên vừa diễn ra. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giáo viên dạy Toán, quận Hà Đông cho biết: "Từ đầu tháng 7, nhiều trường chuyên đã chính thức thi tuyển, có khá nhiều học sinh tham gia kỳ thi này. Có những em không thi nhưng căn cứ đề thi các trường để tập làm thử. Tôi có cảm giác nhiều em xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng đã làm được bài thi của trường chuyên (với đề thi thường được đánh giá là khó hơn) thì không phải “sợ” đề thi chung trong những ngày sắp tới nữa".
Theo cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh không thể chủ quan vì đề thi trường chuyên có những yêu cầu đánh giá khác nhau, không đại diện cho đề thi chung. Vả lại, các em thi vào chuyên thường tập trung cho môn chuyên để lấy điểm cao, các môn còn lại có thể học chưa đều. Cùng với đó, đề thi chung về cơ bản có những câu phân loại học sinh giỏi nên có thể câu ấy ở mức độ khó hoặc rất khó, nếu chủ quan thì các em chưa chắc đã làm đúng hết các yêu cầu của đề.
Ông Lê Hồng Chung - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi được xây dựng dựa trên cơ sở bám sát chỉ đạo về điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trong giai đoạn nước rút, thí sinh cần lưu ý phương thức tuyển sinh, giới hạn nội dung ôn tập để đạt được kết quả tốt nhất.