Thị xã Sơn Tây: Sẵn sàng cho việc sáp nhập các phường

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba phường sáp nhập thành một, nằm gần nhau và cùng ở vùng lõi đô thị của thị xã Sơn Tây. Đây sẽ là một thuận lợi không nhỏ cho việc sáp nhập, đồng thời cũng tạo đà để phường mới phát triển mạnh hơn.

Sáp nhập để phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Theo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025 của TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây sẽ có 3 phường được nhập thành một, đó là các Phường: Lê Lợi, Quang Trung và Ngô Quyền.

Trong đó, Phường Lê Lợi hiện có diện tích tự nhiên là 0,90km2, đạt 16,36% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 8.617 người, đạt 172,34% so với tiêu chuẩn.

Phường Ngô Quyền có diện tích tự nhiên là 0,42km2, đạt 7,64% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 8.418 người, đạt 168,36% so với tiêu chuẩn. Phường Quang Trung có diện tích tự nhiên là 0,76km2, đạt 13,82% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 8.714 người, đạt 174,28% so với tiêu chuẩn. Sau khi sáp nhập, phường mới dự kiến sẽ có tên gọi là Phường Ngô Quyền với 2,08km2 và dân số 25.749 người, đạt tiêu chuẩn đề ra.

Người dân Phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường. Ảnh: Ánh Dương
Người dân Phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây làm thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường. Ảnh: Ánh Dương

Trước đó, UBND thị xã Sơn Tây đã tiến hành rà soát các điều kiện tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc và 3 Phường: Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 bởi đều có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định.

Một trong những lo ngại lớn nhất của những địa phương thực hiện sáp nhập địa giới hành chính là việc xáo trộn về mặt giấy tờ, từ đó phát sinh nhiều giấy tờ phải chuyển đổi theo đơn vị hành chính mới. Đây cũng chính là nội dung được lãnh đạo thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ nhận định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cần thiết, đảm bảo tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo. Việc sắp xếp, sáp nhập phải bảo đảm không gây nhiều xáo trộn, cũng như không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Một trong những điểm nhấn quan trọng, được thị xã Sơn Tây đề ra là sau sáp nhập, người dân được khuyến khích chủ động đi thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới chứ không bắt buộc phải thay đổi giấy tờ. Đặc biệt, việc thay đổi thông tin của công dân sẽ được thực hiện hoàn toàn miễn phí và UBND thị xã Sơn Tây cam kết sẽ hỗ trợ người dân một cách tối đa để việc thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới được thuận tiện nhất, nhanh gọn nhất.

“Khi triển khai sáp nhập, thị xã sẽ cử các tổ công tác xuống trực tiếp tổ dân phố để hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờ tùy thân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn” – Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho hay.

Tạo đồng thuận cao trong Nhân dân

Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cũng khẳng định, việc sáp nhập sẽ không có gì đáng lo ngại về cán bộ, công chức dôi dư, cũng như đối với công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính.

Hiện, thị xã đã có lộ trình và kế hoạch cụ thể để triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính. Tinh thần công khai, dân chủ trong quá trình triển khai sáp nhập các đơn vị cũng được lãnh đạo thị xã quán triệt đến tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng sẽ được đẩy mạnh trên tất cả các kênh thông tin của thị xã cũng như các phường nằm trong diện sáp nhập cũng như niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp phường, phương án sắp xếp của TP.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND Phường Ngô Quyền Trần Thế Đạt cho biết, hiện phường đang tập trung vào công tác tuyên truyền và lấy ý kiến của cử tri. Đầu tiên, phường đã tổ chức hội nghị quán triệt đầy đủ các văn bản hướng dẫn và đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, công chức chuyên môn UBND phối hợp chặt chẽ với các tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thống kê danh sách cử tri.

“Việc lấy ý kiến cử tri được chúng thôi thực hiện theo đúng quy trình. Đó là niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến sắp xếp đơn vị hành chính tại trụ sở phường. Sau 30 ngày, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến cử tri để báo cáo lên thị xã” – ông Trần Thế Đạt nói.

 

 

Tên gọi Phường Ngô Quyền đã được chọn bởi đáp ứng được 2 tiêu chí. Thứ nhất, đây là tên của một trong ba phường thuộc diện sáp nhập, chọn tên gọi cũ sẽ hạn chế tối đa việc người dân phải điều chỉnh, đính chính lại nội dung các giấy tờ, văn bản hành chính, tư pháp có liên quan. Thứ hai, tên gọi Ngô Quyền gắn liền với yếu tố lịch sử của thị xã Sơn Tây - nơi vốn được mệnh danh là “đất hai vua”, trong đó Vua Ngô Quyền là vị vua đầu tiên trong lịch sử nhà Ngô của Việt Nam cũng là người lãnh đạo Nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận chiến Bạch Đằng năm 938, giành thắng lợi và kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam, mở ra thời kỳ kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Vua Ngô Quyền sinh ra tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.

 

Tương tự, Phường Lê Lợi và Quang Trung cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương sáp nhập của TP cũng như niêm yết danh sách lấy ý kiến cử tri. Việc tuyên truyền và lấy ý kiến được thực hiện bài bản, đúng quy trình với mục tiêu tạo sự đồng thuận cao nhất trong quần chúng Nhân dân. Để thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền, vai trò của tổ trưởng các tổ dân phố và thành viên các tổ công tác của phường được phát huy một cách tối đa. Tất cả được quán triệt tinh thần bám sát cơ sở, bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình, lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được tháo gỡ.