Thiết chế văn hóa trở thành không gian sáng tạo

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhthedothi - Năm 2018, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh xây dựng mô hình thử nghiệm tại Làng gốm cổ Bát Tràng với tên gọi “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt” với diện tích 3.300m2 mặt sàn trên 6 tầng.


Sau 5 năm xây dựng, đến nay công trình đã thành công và đạt được mục tiêu ý tưởng ban đầu. Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt có kiến trúc độc đáo, du khách dừng chân tại đây đã được nhìn thấy các bàn xoay đang vuốt gốm, các sóng lượn của sông Hồng, và được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng phục cổ.

Thời gian qua, tại không gian này diễn ra nhiều hoạt động sáng tạo ở khu trải nghiệm nghề, khu sáng tác gốm nghệ thuật của các hoạ sĩ điêu khắc gốm, khu vườn ươm miễn phí để đón các sinh viên khoa gốm, đồ họa... về thực tập miễn phí.

Có nơi chuyên tổ chức các sự kiện, mời các nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia đăng đàn nói về các kinh nghiệm nghiên cứu kỹ thuật các chất liệu xương men của gốm cổ và đương đại; hay các câu chuyện về ý tưởng thiết kế, kỹ thuật sản xuất cho các dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ khác nhau nhằm giúp cho ngành gốm mỹ nghệ ngày càng phát triển.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: Lam Thanh
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại Làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: Lam Thanh

Tại “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt” còn có khu trưng bày giới thiệu nghệ thuật đương đại và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ; khu nghệ thuật điêu khắc ánh sáng; khu ẩm thực tinh hoa đặc sản văn hóa Bát Tràng; khu hội trường có sức chứa khoảng trên 300 khách chuyên tổ chức các sự kiện; khu không gian công viên ngoài trời tại tầng 5 có tầm nhìn đẹp nhìn ra dòng sông đào Bắc Hưng Hải đã đi vào lịch sử nước nhà; khu lưu trú 10 phòng tiêu chuẩn 3 sao.

Và đặc biệt tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt có một bảo tàng nghề gốm Bát Tràng rất đặc sắc để kể lại câu chuyện gần 1.000 năm tuổi của các dòng họ tại làng nghề Bát Tràng.

“Với hàng trăm câu chuyện hay về nghề và nếp sống văn hóa đời nối đời của người dân Bát Tràng quê tôi, Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng là ngôi nhà chung của 19 dòng họ gốc sinh sống chung nhiều đời tại làng gốm cổ Bát Tràng.

"Các sản phẩm trưng bày ở đây đều là các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân tại quê gốm Bát Tràng. Và từ đây, chúng tôi sẽ đưa du khách về thăm làng gốm cổ Bát Tràng có gần 1.000 năm tuổi, với các con ngõ nhỏ như giao thông hào, tường cao vút như chứa đựng đầy ắp văn hóa của một làng nghề nổi tiếng của nhiều đời” - Chủ tịch Hiệp Hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ.

Đầu tháng 10/2019, Bát Tràng đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch của UBND TP Hà Nội. Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh”. Nhờ vậy những năm qua, trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 - 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm.

Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương: Bát Tràng sau khi được công bố là "Điểm du lịch", lượng khách du lịch đến thăm Bát Tràng tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 lần so với trước đó. Để phát huy giá trị làng nghề, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" tại Bát Tràng.

Huyện sẽ tiếp tục đầu tư các giải pháp chuyển đổi số trong văn hóa du lịch như: xây dựng cơ sở dữ liệu số các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, xây dựng điểm các ki ốt (thiết bị điện tử nhỏ gọn cung cấp thông tin) tại các điểm du lịch như: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá; phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại dưới dạng phim 3D, bảng âm thanh, hình ảnh, văn bản…; đồng thời nghiên cứu xây dựng bản đồ số 3D di sản văn hóa và du lịch huyện Gia Lâm.