Thiết kế trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội: Tìm sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo tàng Hà Nội (BTHN) đã hoàn thành thiết kế chi tiết tầng 2 với 3 chủ đề gồm: Thiên nhiên Hà Nội xưa và nay; Hành trình đến Thăng Long; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt dựa trên những tài liệu, hiện vật đã có. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, BTHN cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn.

Du khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Hơn 3.000 hiện vật
Với chủ đề đầu tiên là “Thiên nhiên Hà Nội xưa và nay”, BTHN thông qua 3 tiểu chủ đề nhỏ gồm: Cảnh quan thiên nhiên; đất đai và khoáng sản; động thực vật. Theo chuyên gia tư vấn Veronique Dollfus (Pháp): Lấy bối cảnh núi Ba Vì, BTHN sử dụng nhiều hình ảnh kích thước lớn, nhỏ khác nhau để người xem có thể tiếp cận hình ảnh thiên nhiên Hà Nội ở mọi góc nhìn, từ xa đến gần. Trong phần này, BTHN đã sử dụng những hình ảnh được chụp, xử lý bằng kỹ thuật hiện đại, sưu tầm (có bản quyền) ở nước ngoài mà từ trước đến nay công chúng chưa từng được thấy trên truyền hình, sách vở. Mặt khác, đối với mảng thiên nhiên trong TP, BTHN cũng có những hình ảnh, câu chuyện về những loại cây, hoa mang tính biểu tượng như cây tre, hoa sen. Ngoài ra, BTHN cũng giới thiệu đến khách tham quan những bộ phim, với những hình ảnh đặc sắc được ghi nhận từ trên cao về tất cả các sông, hồ ở Hà Nội, để làm rõ tên đặc trưng TP sông hồ. Đặc biệt, điểm nhấn trong chủ đề 1 sẽ là hai tủ kính trưng bày hệ động, thực vật tại Hồ Tây và một tiêu bản “cụ rùa” Hồ Gươm.

Ở chủ đề 2 là “Hành trình đến Thăng Long” và chủ đề 3 “Thăng Long thời Đại Việt”, các nhà thiết kế nội dung của BTHN kể các câu chuyện về từng thời kỳ lịch sử của Thủ đô từ lớp cư dân đầu tiên khai phá vùng đất Hà Nội và những trung tâm quần cư thời tiền Hùng Vương đến giai đoạn dựng nước thời Văn Lang, Âu Lạc. Đồng thời, BTHN đưa ra các hiện vật về trống đồng, bản đồ, hình minh họa và bản khắc tái tạo không gian về giai đoạn này. Trong đó, mỗi tài liệu, hiện vật đều có các đoạn chú thích về niên đại và đặc biệt là hình ảnh của “Chiếu dời đô”; cùng nhiều hình ảnh, hiện vật là các mảnh vỡ về diện mạo kiến trúc Hà Nội; các loại vũ khí nói về giai đoạn đấu tranh chống ngoại xâm và đời sống “kẻ chợ”, “đời sống tâm linh” của người Hà Nội.

Tiếp tục bổ sung

Dự kiến, từ nay đến khi thi công, bản thiết kế chỉ chỉnh sửa khoảng 5%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn của BTHN, để nơi đây thực sự trở thành một bảo tàng hiện đại, mang nét đặc trưng của Thủ đô cần phải chỉnh sửa nhiều hơn 5%. Góp ý về chủ đề 1 về “Thiên nhiên Hà Nội xưa và nay”, PGS. TS Nguyễn Trung Minh – nguyên Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, BTHN có hơn 3.000 mẫu vật, trong đó nhiều mẫu đã lưu kho 10 năm. Do vậy, một số mẫu hiện vật có thể đã bị hỏng. Nếu mẫu vật nào hiếm quá thì có thể chấp nhận, còn mẫu vật có thể thay thế thì nên thay đổi, bổ sung. Mặt khác, đối với các bức ảnh về khai quật khảo cổ học, tôi cho rằng thay vì chụp ảnh đưa vào, BTHN nên có các mô hình, mẫu vật tượng trưng vì quan điểm của các nhà bảo tàng học từ trước đến nay mẫu vật là trọng tâm chứ không phải tranh ảnh”.

Đối với không gian trưng bày tại tầng 2 BTHN, TS Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách Mạng cho hay: “Với chủ đề “Hành trình Thăng Long”, tôi cảm giác cuộc hành trình này vẫn đều đều, chưa có điểm nhấn. Hà Nội trong giai đoạn Tiền Đông Sơn có gắn với cách mạng trong nông nghiệp, từ dùng cuốc sang dùng cày, từ đồ gốm sang luyện kim. BTHN nên bổ sung thêm hiện vật trưng bày giai đoạn này”. Ở chủ đề 3 về “Thăng Long thời kỳ Đại Việt”, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Trong cấu trúc trưng bày của BTHN thiếu nhiều tư liệu về giai đoạn thế kỷ thứ X; đây là giai đoạn kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra kỷ nguyên văn hóa Thăng Long - Đại Việt. Mặc khác, ở khu khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long, thời Đại La đã là cả một nội dung rất lớn về các thành tựu nhưng không thấy”.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị: BTHN, đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, trình sớm nhất bản vẽ chi tiết tầng 2. Trong đó, BTHN cần chú ý một số nội dung liên quan đến hiện vật, tư liệu, nội dung của 3 chủ đề và các văn bản giới thiệu. Mặt khác, sau khi thiết kế tầng 2 hoàn thiện, chủ đầu tư tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế, hoàn thiện các hạng mục trong tòa nhà, hạ tầng kỹ thuật, nhà kho. Đồng thời, BTHN cần tiếp tục phối hợp với các chuyên gia để đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành, đón khách tham quan.