Thiếu “bệnh viện” cổ vật, di sản khó cứu vãn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng trước thực trạng nhiều cổ vật của Việt Nam đang có nguy cơ bị hư hại hoàn toàn vì thiếu kho bảo quản, tại hội nghị khoa học “Bảo quản hiện vật bảo tàng – những vấn đề đặt ra” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đề xuất cần sớm xây dựng “bệnh viện” cấp cứu cho cổ vật.

Cổ vật kêu cứu
Chỉ cách đây mấy ngày, trên các phương tiện truyền thông đã xôn xao thông tin hơn 30.000 tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Nghệ An phải chống chọi với thời gian trong một nhà kho chật hẹp, cũ kỹ, không hề được trưng bày như những bảo tàng khác. Nhiều hiện vật quý thậm chí phải xếp chồng lên nhau vì thiếu chỗ, trong khi đó, công tác bảo quản đang có nhiều bất cập khiến nhiều hiện vật hư hại nghiêm trọng. Không chỉ có bảo tàng cấp tỉnh, các bảo tàng cấp quốc gia cũng nằm trong tình trạng thiếu kho bảo quản.
Hai pho tượng nhục thân của hai thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu, Thường Tín) cũng từng kêu cứu vì điều kiện bảo quản yếu kém.
TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thông tin, một mộ thuyền cổ khai quật được ở Hà Nam rất quý giá, khi mới khai quật hiện trạng rất tốt nhưng tới nay cũng có hiện tượng mủn, hỏng. Hay nhìn cảnh tượng nhục thân có niên đại hơn 400 năm của hai thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội) bong tróc lớp sơn, được lưu giữ trong tủ kính đơn sơ của di tích khiến không chỉ các chuyên gia mà người dân chua xót. Bao nhiêu năm, Việt Nam loay hoay với việc bảo tồn, tu sửa hai bức tượng kỳ bí, được tạo ra từ chính thân thể thiền đến hóa tượng của 2 vị sư. Thậm chí, để lưu giữ được hiện vật, Việt Nam đã phải chuyển 2 bức tượng ra nước ngoài, nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm và điều kiện bảo quản tốt của thế giới mới gìn giữ được di sản.

Mới đây, Hà Nội có cuộc khảo sát đánh giá tài liệu quý hiếm ở bảo tàng, nhiều sắc phong cũng ở mức báo động. Công tác bảo quản các hiện vật bằng giấy đang là bài toán khó của tất cả các bảo tàng trên cả nước. Ngay cả ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I, có kho bảo quản, phòng chức năng và đội ngũ nhân viên chuyên ngành nhưng câu chuyện bảo quản các sắc phong cũng luôn trong tình trạng còn nhiều điều lo lắng.

Để bảo quản đều cần tiền tỷ

Tại buổi đánh giá tổng kết, khi các chuyên gia đưa ra số tiền bảo quản cho mỗi hiện vật, ai cũng giật mình vì sự tốn kém về tiền bạc và thời gian. Tu sửa và phục dựng 2 cánh cửa của chùa Phổ Minh trong khu di tích đền Trần (Nam Định), hơn 10 chuyên gia 2 nước Nhật, Việt tốn 3 năm nghiên cứu và thực hiện với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, phía Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam phục dựng bức tranh sơn ở chùa Hàm Long với mức kinh phí cũng gần 1 tỷ đồng. TS Nguyễn Văn Cường cho biết, nếu không có những dự án hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức thế giới thì cổ vật của Việt Nam còn xếp hàng dài chờ tu sửa, phục dựng. Chung quy lại, Việt Nam đang rất cần một “bệnh viện” cấp cứu cho các cổ vật.

TS Phạm Quốc Quân – nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho biết: “Nhiều năm trước tôi từng có đề xuất về bệnh viện đặt ở ba miền, nhưng đến nay chưa có bước tiến mới”. Ông Quân cho rằng, có thể thời điểm khi ấy chưa thực sự chín muồi, thứ hai là khó khăn về kinh phí và quan trọng nhất là chưa nhìn nhận đó là yêu cầu bức thiết đối với bảo quản hiện vật. Đến nay, các bảo tàng mới xây dựng đã quan tâm đến kho bảo quản hiện vật, nhưng theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà: “Bảo tàng Hà Nội được đầu tư xây dựng kho bảo quản đủ tiêu chuẩn nhưng lại thiếu nhân lực. Chính vì vậy, với các hiện vật có giá trị, Bảo tàng Hà Nội lại phải nhờ đến các chuyên gia của các bảo tàng quốc gia hoặc quốc tế”.

Hiện nay, hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam đều đang ngóng chờ những kho bảo quản hiện vật đáp ứng nhu cầu tu sửa, phục dựng các di sản quý. Để đề xuất cách đây 10 năm của TS Phạm Quốc Quân không tiếp tục “giậm chân tại chỗ” rất cần kế hoạch đầu tư bài bản của ngành văn hóa cho các “bệnh viện” cổ vật.