70 năm giải phóng Thủ đô

Thổ Nhĩ Kỳ đổi ý, mở đường cho Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước đột phá diễn ra sau 4 giờ hội đàm ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6 đã bãi bỏ quyền phủ quyết của mình đối với nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển với việc ba quốc gia nhất trí bảo vệ an ninh lẫn nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberga, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau khi ký một văn bản trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, vào ngày 28/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberga, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau khi ký một văn bản trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, vào ngày 28/6. Ảnh: Reuters

Bước đột phá diễn ra sau 4 giờ hội đàm ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO bắt đầu ở Madrid, ngăn chặn sự bế tắc khi tập hợp 30 nhà lãnh đạo bàn thảo về Nga - hiện bị liên minh do Mỹ đứng đầu coi là mối đe dọa an ninh trực tiếp.

Điều đó đồng nghĩa Helsinki và Stockholm có thể tiến hành đơn xin gia nhập NATO, thay đổi lớn nhất trong an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, khi hai quốc gia Bắc Âu trung lập lâu nay tìm kiếm sự bảo vệ của NATO.

"Các ngoại trưởng của chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ ba bên xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ... ủng hộ lời mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO," Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết trong một tuyên bố. Các bước để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ được thống nhất trong hai ngày tới.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận thỏa thuận trong các tuyên bố riêng biệt, sau cuộc hội đàm giữa người đứng đầu NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Niinisto.

"Bản ghi nhớ quan trọng vừa đạt được giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho việc Thụy Điển gia nhập NATO," bà Andersson cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Theo Reuters, việc giải quyết bế tắc củng cố phản ứng của liên minh đối với Nga sẽ mang lại ưu thế quân sự cho NATO.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO liên minh an ninh vào tháng 5. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan đã nhiều lần nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO, cáo buộc hai nước chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu hai nước ngăn chặn các hoạt động tuyển dụng, gây quỹ và tuyên truyền của nhóm PKK người Kurd đồng thời cũng muốn chính quyền Phần Lan và Thụy Điển dẫn độ hơn 30 người - một số bị cáo buộc là các nhà hoạt động PKK, trong khi những người khác bị cáo buộc là thành viên của cái gọi là phong trào Gülenist mà Erdoğan tin rằng đứng sau nỗ lực lật đổ ông vào năm 2016.