Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen lại "lâm nguy"

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen một lần nữa đứng trước nguy cơ sụp đổ khi mới đây Nga cảnh báo sẽ chấm dứt Thỏa thuận này vào tháng 7 tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershini. Ảnh: Al Mayadeen
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershini. Ảnh: Al Mayadeen

Theo RT, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin vừa tuyên bố nước này dự định rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Ukraine do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào ngày 18/7 tới.

Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao cấp cao Nga không loại trừ một vòng tham vấn mới với LHQ về việc cứu vãn thỏa thuận.

Trả lời hãng tin RIA Novosti ngày 20/6, Thứ trưởng Vershinin cho biết Nga vẫn liên lạc với LHQ về vấn đề này, nhưng “sẽ làm như những gì trước đó đã thông báo”. Thứ trưởng Vershinin nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho ngày 18/7 trở thành thời điểm kết thúc các thỏa thuận không được thực hiện”.

Theo quan chức ngoại giao Nga, trong các cuộc đàm phán hồi đầu tháng này, LHQ “về cơ bản thừa nhận họ không thể hoàn thành những gì đã cam kết với Moscow như một phần của thỏa thuận và nhận định đó là một tình huống đáng buồn”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết Nga đang xem xét rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đồng thời cáo buộc phương Tây không thực hiện các cam kết với Moscow.

Người đứng đầu  Điện Kremlin cáo buộc các hành lang an toàn ở Biển Đen đã được Ukraine sử dụng để phóng các máy bay không người lái hải. Theo Tổng thống Putin, khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc đã được vận chuyển từ các cảng của Ukraine theo thỏa thuận.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi hôm 17/6, ông Putin cũng nhấn mạnh, việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới không giải quyết được vấn đề thiếu hụt lương thực của các nước châu Phi khi chỉ có 3,1% lô hàng ngũ cốc của Ukraine thông qua Thỏa thuận là đến được châu Phi.

Cuối tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo xét theo tình hình hiện tại, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không có cơ hội được gia hạn thêm lần nữa.

Theo quan chức Điện Kremlin, Nga đã nhiều lần “nhượng bộ” gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, tuy nhiên “thiện chí" của Moscow không thể kéo dài vô thời hạn khi Thỏa thuận chỉ đem lại lợi ích cho một bên.

Tàu chở  ngũ cốc cập cảng Odessa, Ukraine. Ảnh:  AFP
Tàu chở  ngũ cốc cập cảng Odessa, Ukraine. Ảnh:  AFP

“Nga đã nhiều lần đưa ra những cử chỉ thiện chí, thể hiện cách tiếp cận thực sự có trách nhiệm đối với Thỏa thuận. Tuy nhiên, thật đáng buồn, khi các bên thiếu sự tương hỗ và sẵn sàng thực hiện các phần của thỏa thuận liên quan đến Nga, thiện chí của Nga không thể tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang xem xét chấm dứt Thỏa thuận này,” ông Peskov nói.

Moscow đã nêu các điều kiện để tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen gồm: tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT; nối lại nguồn cung máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo trì; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm đi đôi với bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận các cảng; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa; và gỡ bỏ phong tỏa các tài sản cũng như tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.    

Đối mặt với lập trường “cứng rắn” của Nga, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây bày tỏ quan ngại về khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đồng thời khẳng định LHQ đang nỗ lực để có thể duy trì thỏa thuận cũng như đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa của Nga.

Cũng trong ngày 20/6, ông Farhan Haq, phó phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết cơ quan này đang nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đạt được hồi tháng 7/2022 dưới sự bảo trợ của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. LHQ cho rằng Thỏa thuận ngũ cốc trên mang lại lợi ích lớn cho các nước nghèo nhờ giúp giảm giá lương thực trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của LHQ, hơn 31 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo thỏa thuận, trong đó 43% được chuyển đến các quốc gia đang phát triển. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã vận chuyển hơn 625.000 tấn ngũ cốc cho các hoạt động viện trợ.