Thời cơ vàng cho gạo Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo được coi là cơ hội vàng cho gạo Việt, song thách thức cũng không nhỏ.

Dự báo, biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp diễn, do vậy Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, giúp người nông dân và DN cùng hưởng lợi.

Giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh

Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới tiếp tục leo thang khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng vọt lên mức 550 - 575 USD/tấn, từ mức 515 - 525 USD/tấn của trung tuần tháng 7.

Đây đang là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của mặt hàng gạo Việt Nam.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần trước đã vọt lên mức 605 - 610 USD/tấn, so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận hồi giữa tháng 7. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây đối với Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian vừa qua tăng mạnh do nhu cầu của thế giới tăng. Ảnh: Phạm Hùng
Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian vừa qua tăng mạnh do nhu cầu của thế giới tăng. Ảnh: Phạm Hùng

Tại các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg, lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg).

Ở khu vực miền Bắc và Tây Nguyên hiện giá lúa lên 9.000 - 9.200 đồng/kg. Bộ NN&PTNT cho biết, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng của năm 2023 đạt 534 - 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng do giá xuất khẩu tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay đã đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu trên thị trường xuất khẩu tăng đột biến là do Ấn Độ, quốc gia vốn chiếm đến 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2022, tạm thời cấm xuất khẩu gạo ra thế giới để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước.

Lệnh cấm này của Ấn Độ đã gây gián đoạn thị trường gạo toàn cầu, buộc các quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn gạo từ Ấn Độ phải khẩn cấp tìm kiếm nguồn cung gạo mới.

 

Trong 5 năm (2018 - 2022), xuất khẩu gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm (lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn) với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD (tăng 12,7% so với năm 2018). 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn gạo với trị giá 2,68 tỷ USD.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ.

Do đó, Thái Lan và Việt Nam - hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị thiếu hụt từ Ấn Độ. Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam có thể tăng lên tới 600 USD/tấn, thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Bảo đảm an ninh lương thực trong nước

Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, về nguồn cung trong nước, Việt Nam có khoảng 7,3 triệu héc ta đất lúa, năng suất trồng lúa khá cao, giá gạo xuất khẩu cao hơn Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nơi chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, kế hoạch sản xuất lúa năm 2023 là xuống giống 3,798 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 24,1 triệu tấn lúa. Kế hoạch năm 2023, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa.

Nếu không có gì bất lợi từ thời tiết, thiên tai xảy ra bất thường thì năm 2023 Việt Nam sẽ được mùa kỷ lục với sản lượng khoảng trên 43 triệu tấn lúa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Do xuất khẩu gạo đang được giá, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực thế giới, nên Bộ NN&PTNT kiến nghị sẽ nâng diện tích gieo cấy lúa vụ Thu Đông ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 lên 700.000ha.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phân tích, đánh giá tình hình diễn biến cụ thể để kịp thời tham mưu Chính phủ các giải pháp vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Phân tích về các yếu tố để Việt Nam có thể chớp được cơ hội thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: hiện, 85% giống lúa của Việt Nam là giống lúa mới, 89% là gạo chất lượng cao, đặc biệt ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Khi Chỉ thị được ban hành, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, DN để bảo đảm xuất khẩu gạo luôn bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Doanh nghiệp phải giữ chữ tín để đi đường dài

Nhận định về nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như bảo đảm an ninh lương thực cho thị trường trong nước, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng,
Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn cung.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp diễn, do vậy, Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập, cũng là cơ hội để DN thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.

“Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp DN tiếp cận vốn. Việc này không chỉ giúp DN thu mua lúa gạo cho nông dân mà DN còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, góp phần nâng lợi nhuận cho DN” - PGS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Nêu quan điểm về chiến lược xuất khẩu gạo, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc nhận định trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu gạo là thời cơ ngắn hạn hay thời cơ dài hạn thì khó có thể đưa được ra câu trả lời chính xác.

Việc nắm cơ hội thị trường là cần thiết, nhưng DN cần đồng thời phải bảo đảm cho cơ hội của các đơn hàng cuối năm 2023, đầu năm 2024 và cả các năm tiếp theo.

Xuất khẩu gạo là câu chuyện đường dài, do đó, các DN cần giữ tín nhiệm, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia…

 

Chúng ta không nên quá kỳ vọng về việc thiếu hụt lúa gạo toàn cầu trong thời gian dài để tìm cơ hội tăng giá gạo. Cơ hội nâng giá bền vững chỉ có thể tập trung vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và thương hiệu. Đây là chiến lược đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

 

Để ngành gạo xuất khẩu Việt Nam vừa giữ được chữ tín, vừa nắm được cơ hội thị trường, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy khuyến nghị, Chính phủ cần thúc đẩy ngân hàng cho vay vốn trung hạn và dài hạn, để cho các DN thu mua lúa và thanh toán sòng phẳng với người dân.

Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn lúa gạo đầu vào. Đáng lưu ý, do giá gạo tăng lên, các DN rất dễ mua phối trộn các giống thóc khác nhau, không đúng theo tiêu chuẩn của người mua, việc làm này sẽ làm mất thị trường. Do đó, các DN cần tích chuyện đường dài, tránh vì lợi ích trước mắt mà làm mất uy tín.