[Thói hư - tật xấu trong văn hóa giao thông Hà Nội] Bài 3: Nỗi lo người lớn làm hư trẻ nhỏ

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho trẻ nhỏ - thế hệ tương lai.

Thế nhưng, mục tiêu đó sẽ khó có thể đạt được khi mà chính các bậc phụ huynh lại đang tập nhiễm cho con em mình những thói hư, tật xấu trong giao thông.
Khi phụ huynh lệch chuẩn văn hóa

Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh nhận định, một trong những thói hư tật xấu đáng chê trách nhất hiện nay là người lớn tập nhiễm thói quen tham gia giao thông thiếu ý thức, phản văn hóa cho thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Đó là sự lệch chuẩn hành vi dẫn đến rất nhiều hệ luỵ cho trẻ em, các gia đình và cả cộng đồng xã hội.
 Phụ huynh đưa đón học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên phố Trương Định. Ảnh: Công Hùng
Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh chia sẻ, những trường hợp phụ huynh đèo con cháu đi ngược chiều, vượt đèn đỏ trên đường phố Hà Nội không hề hiếm. Thậm chí, có nhiều người lớn đang chở con em mình cũng văng tục, chửi bậy, buông lời nguyền rủa hoặc xô xát với người khác trong khi tham gia giao thông. “Không ít người lớn cho rằng, so với việc muộn học, muộn làm, chịu cảnh tắc đường, khói bụi mới là vấn đề lớn, còn vi phạm giao thông trước mắt trẻ em chỉ là chuyện nhỏ. Và đương nhiên họ sẽ lựa chọn vấn đề mà họ cho là nhỏ hơn” - ông Minh phân tích.
Thực vậy, hình ảnh những vị phụ huynh chở con em bằng xe máy, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, đặc biệt là không đội mũ bảo hiểm cho trẻ… rất dễ thấy trên đường phố Hà Nội. Trung tá Nguyễn Văn Lợi - Phó trưởng Công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho hay, cán bộ, chiến sỹ vẫn thường xuyên nhắc nhở những trường hợp như vậy khi chốt trực, đảm bảo giao thông tại các cổng trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa rõ rệt, nhiều phụ huynh thường xuyên quên đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Trung tá Lê Văn Dũng - Phó trưởng Công an phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, chia sẻ, tình trạng phụ huynh dừng đỗ xe tùy tiện ở khu vực cấm để đưa đón học sinh, hay dàn hàng xe máy, ô tô gây ùn tắc, cản trở giao thông trước cổng trường học diễn ra rất nhức nhối. “Nhiều trường hợp chỉ vì tranh giành chỗ đỗ xe gần cổng trường học hơn mà xảy ra cãi vã, xô xát” - Trung tá Lê Văn Dũng thông tin.

Không chỉ khi đưa con em đi học, ngay cả khi đi chơi, hoặc làm việc riêng, nhiều vị phụ huynh cũng nêu gương “xấu” giao thông cho trẻ em. Ví dụ như việc chở con em trên xe ô tô nhưng bản thân phụ huynh và cả trẻ nhỏ đều không thắt dây an toàn; nhiều người còn mở cửa sổ trời, cho trẻ thò nửa người ra ngoài trong lúc xe chạy; hay dừng đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường có biển cấm để cả gia đình vào ăn sáng, uống cà phê…

Một trong những hành vi xấu xí nhất của bậc phụ huynh khi tham gia giao thông là gieo vào nhận thức của thanh thiếu niên, trẻ nhỏ tư tưởng “xin - cho”, hối lộ hoặc chống đối lực lượng chức năng khi bị xử phạt. Chứng kiến cha mẹ, người lớn trong gia đình phạm luật, rồi giải quyết bằng cách xin xỏ, hối lộ CSGT sẽ khiến trẻ em sớm hình thành suy nghĩ coi thường pháp luật, không cần tuân thủ, chỉ cần “chi tiền”. Đáng ngại hơn là tâm lý học đòi phụ huynh chống đối lực lượng chức năng, “ăn vạ” hoặc bỏ chạy khi vi phạm giao thông cũng đang thấm dần vào ý thức của không ít trẻ em.

Hệ lụy khôn lường

Các chuyên gia cho rằng, đầu tiên chính người lớn sẽ phải hứng chịu những hệ luỵ từ việc tập nhiễm thói hư tật xấu trong giao thông cho thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh phân tích, một số lượng không nhỏ các em ở độ tuổi từ 10 - 17 hiện nay, được gia đình cho tự đi học bằng xe đạp, xe máy điện, hoặc đi bộ. Các em cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông của TP. Hiện tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang… diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây cản trở giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ cực cao xảy ra tai nạn giao thông. Và điều đó ảnh hưởng đầu tiên đến người lớn, các bậc phụ huynh.

Một trong những vấn nạn giao thông nhức nhối nhất hiện nay của Hà Nội và nhiều đô thị khác là thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, hoặc chạy quá tốc độ, nẹt ga, bấm còi ầm ĩ trên đường phố. Nhóm hành vi này khiến các em tự đặt mình vào nguy hiểm, nặng thì thương vong, nhẹ thì bị xử phạt, gia đình cũng mang tiếng xấu. Trung tá Nguyễn Văn Lợi nhận định, khi tiêm nhiễm thói xấu giao thông cho con em mình, các bậc phụ huynh đã vô tình dạy cho trẻ sự coi thường pháp luật cũng như lực lượng chức năng. “Một số trường hợp học sinh sử dụng xe máy, không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, khi bị chúng tôi nhắc nhở, sẵn sàng tăng ga bỏ chạy, thậm chí là văng tục, thách thức” - Trung tá Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.

Thói ích kỷ khi tham gia giao thông của người lớn còn biến tướng thành nhiều dạng hành vi khác khi thanh thiếu niên tự “bắt chước”. Ví dụ như việc nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai trên xe buýt, hay đưa người khuyết tật, cao tuổi qua đường, giúp đỡ người gặp nạn… lại bỗng dưng trở thành “kỳ quặc”, bất thường đối với một số em. Một học sinh lớp 9 tại Hà Đông bộc bạch: “Em chưa từng dừng lại giúp người bị tai nạn giao thông, hay giúp một cụ già đi bộ sang đường. Vì em thấy sợ và xấu hổ, không biết mọi người xung quanh có chê bai, hiểu lầm mình hay không”. Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh lý giải, đó là tâm lý hồ nghi do không được phụ huynh giải thích, khuyến khích, động viên làm những việc tốt. Nhiều trẻ tự suy luận rằng giúp đỡ người yếu thế ở nơi công cộng là thể hiện tính sỹ diện chứ không phải hành vi đúng đắn, nên làm.

Có thể thấy, những thói hư tật xấu trong giao thông của cư dân đô thị đã và đang tồn tại, gây ra nhiều hệ luỵ phức tạp cho cả giao thông và văn hóa xã hội. Trong đó đáng lo nhất sự tập nhiễm thói xấu cho thế hệ tương lai dù chỉ là vô tình hay cẩu thả.

"Kiến thức về ATGT đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhưng hiệu quả đôi lúc không đủ bù đắp cho suy nghĩ lệch lạc của trẻ em khi chứng kiến phụ huynh vi phạm giao thông. Có học sinh hồn nhiên nói, cần gì phải dừng chờ đèn đỏ, bố em/ mẹ em vẫn vượt qua có sao đâu(!). Nhà trường có dày công bao nhiêu cũng không thể xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh nếu gia đình, phụ huynh cứ vô tình phá hoại." - Nguyên giáo viên trường TH Trần Phú Lê Minh Nguyệt


"Thanh thiếu niên, trẻ em là nhóm dễ bị tập nhiễm các thói hư tật xấu nhất do chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm sống, ham học hỏi, hay bắt chước. Đối với các em, cha mẹ, người thân chính là những tấm gương gần gũi, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Phụ huynh có văn hóa giao thông, các em sẽ coi đó là mục tiêu để phấn đấu đạt được; phụ huynh hay vi phạm, ích kỷ khi tham gia giao thông, các em sẽ coi đó tất yếu của cuộc sống, cần học theo. Không quá khi nói, trẻ em là tấm gương phản chiếu văn hóa của người lớn, trong đó có cả văn hóa giao thông." - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn


"Ở khu vực ngoại thành, do áp lực giao thông không lớn, lượng phương tiện qua lại ít hơn hẳn đô thị trung tâm nên nhiều học sinh tự đi xe đạp, xe máy điện đến trường. Trong đó rất nhiều em chưa có ý thức chấp hành luật, chưa biết tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất ATGT. Đây trước hết là trách nhiệm của gia đình, của các bậc phụ huynh. Không giáo dục kiến thức về ATGT cho con em cũng là một thói xấu trong văn hóa giao thông cần phải khắc phục ngay để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng cũng như bảo vệ chính các em và gia đình mình." - Đội trưởng Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Thượng tá Bùi Văn Tiến

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần