Thói quen thời bao cấp

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thật ra “Văn hóa xếp hàng” không phải là điều gì xa lạ với người Việt. Đối với thế hệ chúng tôi đã từng trải qua thời bao cấp cách đây nửa thế kỷ, việc “nơi nơi xếp hàng, người người xếp hàng, nhà nhà xếp hàng, ngày ngày xếp hàng” đã trở thành một thói quen thường nhật ở mọi nơi, mọi chỗ.

Thời bao cấp mọi thứ được phân phối qua tem phiếu, đến tất cả mọi cửa hàng, mọi khu chợ, đều diễn ra cảnh người người xếp hàng “rồng rắn lên mây” để chờ mua mọi thứ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đời sống. Và, thói quen xếp hàng, kiên trì xếp hàng, nhẫn nại xếp hàng, bền bỉ xếp hàng diễn ra mờ mịt suốt ngày dài tới đêm sâu.
Thời ấy, nhiều khi nghe được tin cửa hàng bán lương thực của khu phố có gạo về là bà con khối phố lại rủ nhau đi xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng tinh mơ, nào gạch vỡ, nào rổ giá, nào bìa giấy vụn… nhân danh người xếp hàng nối đuôi nhau ở mọi cửa hàng.
Thời gian ấy, chỉ những người thuộc gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng là có thẻ ưu tiên (còn gọi vui là “thẻ chen ngang”) được vào mua trước, không phải xếp hàng. Nhưng rồi người có thẻ thương binh, liệt sĩ khá nhiều nên họ cũng phải xếp hàng. Chỉ có những gia đình cán bộ cấp trên có sổ mua ưu tiên ở các cửa hàng cung cấp đặc biệt như Tôn Đản là ít khi phải xếp hàng.
 Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (ảnh tư liệu).
“Ôn nghèo nhớ khổ” như trên để thấy, hóa ra thời bao cấp, dân Việt ta đã quá quen thuộc với việc xếp hàng và “Văn hóa xếp hàng” một cách tự nguyện, tự giác và những người thích chen ngang, thích “đến sau mua trước” đều bị mọi người phản đối, khinh thị.
Sau khi đất nước chuyển mình thoát khỏi cảnh nghèo khó thời bao cấp, chúng ta không còn phải thấy cảnh xếp hàng “rồng rắn lên mây” ở mọi loại cửa hàng như xưa nữa. Mọi thứ nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người hàng ngày đều được người dân “tự sản, tự cung, tự cấp” ở mọi nơi mọi lúc.
Có thể nói việc đưa đất nước thoát khỏi thời bao cấp là một cuộc cách mạng lớn không kém gì các cuộc cách mạng trước đó. Và, anh em nhà văn chúng tôi thường nói vui “Đây là cuộc cách mạng vĩ đại của những nhà cách mạng chán cảnh xếp hàng”.
Và cho đến hôm nay, nhất là với lớp người trẻ sinh ra sau thời bao cấp, cảnh xếp hàng ngày xưa chỉ còn là những kỷ niệm trong ký ức của ông, bà, cha, mẹ họ; không phải là những ấn tượng thuộc về thói quen của ý thức họ. Vậy, phải chăng ở một số lớp người trẻ hôm nay, thói “bon chen, sống gấp” đã thể hiện ngay trong sự giao tiếp xã hội ở những dịch vụ công cộng trong sự bừa bãi chen ngang, xô đẩy để được đến trước, có được trước, nhận được trước, mua được trước… bất cần dòng người đang lặng lẽ xếp hàng bên cạnh họ.
Vì thế “Văn hóa xếp hàng” ngày nay đang được dư luận xã hội quan tâm, nhắc nhở đến như một nếp sống văn minh, một thói quen của văn minh - văn hóa trong cách xử sự, giao tiếp chốn đông người. Mỗi người chúng ta thời đi học, ngay từ bé dưới mái trường niên thiếu được sự chăm sóc, dạy bảo của thầy cô, việc xếp hàng vào học đã trở thành thói quen, trở thành nếp sống kỷ luật đến cả những cấp học cao hơn rồi vào đại học, cao đẳng.
Lớp người trẻ hôm nay được tiếp xúc, cập nhật nhiều với các nền văn minh nhân loại qua sách vở, báo chí, mạng điện tử… trong cách mạng công nghệ nghe - nhìn chắc chắn đã tiếp thu được những điều tốt đẹp của lối sống có văn hóa. Và họ lẽ ra phải hơn hẳn lớp người trưởng thành qua thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn ngày xưa.
Nhưng rồi, hình ảnh không ít người trẻ hôm nay (cả những người có học) bị cuốn vào vòng quay thời gian hối hả của thời công nghiệp hóa đã bất chấp “Văn hóa xếp hàng” để được “nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa” thậm chí tranh giành, dẫm đạp lên nhau chỉ vì một chiếc vé xem phim, một chiếc vé xem đá bóng hay một suất ăn… đã gây phản cảm và phản ứng của dư luận xã hội.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ trận thảm họa động đất, sóng thần xảy ra vào ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn ven biển, gây sự cố rò rỉ hạt nhân và khiến khoảng 19.000 người thiệt mạng và mất tích, 160.000 người mất nhà cửa và hàng vạn người dân rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Khi các hãng thông tấn truyền hình trên thế giới đưa hình ảnh về những người dân Nhật Bản trong thảm họa này, cả thế giới đã vô cùng xúc động và nghiêng mình, cảm phục trước cảnh trên hoang tàn đổ nát mênh mông, hàng vạn người phải tạm trú dưới những mái lều phong phanh và những dòng người lặng lẽ, kiên nhẫn, trật tự xếp hàng chờ xuất ăn miễn phí mà không hề hỗn loạn, và bên cạnh họ là các nghệ sĩ vĩ cầm chơi những bản nhạc lãng mạn như muốn sưởi ấm nỗi cô đơn và tuyệt vọng của con người trong thời khắc đau thương ấy.
Thiết nghĩ hình ảnh hàng vạn người dân ở Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần mất sạch tài sản, nhà cửa vẫn kiên nhẫn xếp hàng bên nhau dưới tuyết lạnh để cùng tồn tại qua đau thương đã đánh thức phần còn lại của trái đất bằng thông điệp của lẽ sống nhân văn, và cũng phần nào thức tỉnh người Việt chúng ta trong những tháng năm này nhất là giới trẻ mỗi khi nhắc đến “Văn hóa xếp hàng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần