Thời tiết miền Bắc mát mẻ được bao lâu sau đợt nắng nóng gay gắt đầu tháng 7?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, từ ngày mai (7/7), nắng nóng chấm dứt ở vùng núi Bắc Bộ và suy giảm dần ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ở các tỉnh miền Trung từ ngày 8/7 nắng nóng giảm dần.

Ghi nhận của báo Lao Động, nhiệt độ ngoài trời trưa 3/7 tại Hà Nội lên hơn 40 độ C.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, ngày hôm qua (5/7), nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ, riêng khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến trong khoảng 38 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ như: Chi Nê (Hòa Bình) 40,7 độ C, Kim Bôi (Hòa Bình) 40,4 độ C, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 40,8 độ C, Láng (Hà Nội) 40,2 độ C, Hà Nam 40,5 độ C, Nho Quan (Ninh Bình) 41,1 độ C, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 41,6 độ C, Tây Hiếu (Nghệ An) 40,3 độ C...
Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (6/7) nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 37 độ C. Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10 - 19 giờ.

Từ ngày 7/7, nắng nóng chấm dứt ở vùng núi Bắc Bộ và suy giảm dần ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ở các tỉnh miền Trung từ ngày 8/7 nắng nóng giảm dần.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay 1 vùng xoáy thấp đang hình thành và có xu hướng hoạt động mạnh dần lên trên khu vực phía Bắc các tỉnh Bắc Bộ, do vậy chiều tối và đêm nay (6/7) ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to.

Từ ngày 7 - 9/7 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to và dông (thời gian có mưa to tập trung vào đêm và sáng sớm). Đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ tập trung cao điểm trong các ngày 7 - 9/7, sau đó mưa còn có thể kéo dài nhiều ngày.

Đánh giá về đợt nắng nóng gay gắt đầu tháng 7/2018, ông Hoàng Phúc Lâm - Trưởng phòng Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đợt nắng nóng này có số ngày kéo dài vừa phải (6 - 8 ngày) và mức nhiệt cao nhất vẫn thấp hơn mức kỷ lục được ghi nhận khoảng 2 độ C.

Bản đồ nhiệt thế giới hôm 4/7. Ảnh: Climate Reanalyzer.
Ông Lâm dẫn giải, ở đồng bằng Bắc Bộ, nóng trên 40 độ xảy ra khá phổ biến vào tháng 5, 6, 7 trong năm, như ngày 3/7/2015 Thủ đô Hà Nội nóng 40,8 độ C; ngày 19/6/2010 nóng 40,4 độ C; ngày 5/7/2010 nóng 40,1 độ C và gần đây nhất vào ngày 4/6/2017, Hà Nội có mức nhiệt kỷ lục là 41,8 độ C. Trong khi đó các tỉnh ven biển Trung Bộ, nắng nóng thường kéo dài hơn và mức nhiệt cao nhất trong ngày cũng cao hơn so với khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Trước diễn biến thời tiết chuyển mưa dông trong những ngày tới, ông Lâm cảnh báo, do thời tiết chuyển biến nhanh từ trạng thái nắng nóng sang mưa dông nên trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cần hết sức cảnh giác, đề phòng sét, lốc và gió giật trong cơn dông trong 2 ngày cuối tuần.

"Sau một tuần nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cả ngày, đêm đều cao, các tỉnh vùng núi lại đối diện với nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất. Đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ có một tuần khá mát mẻ với nhiệt độ trong khoảng 30 - 33 độ C, trời nắng gián đoạn xen kẽ mưa, thời tiết dễ chịu kéo dài cả tuần tới", ông Lâm dự báo.

Không chỉ Việt Nam, người dân ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong tuần qua. Nhiều khu vực ở Bắc bán cầu, từ Ireland, Scotland, Canada tới Trung Đông đã trải qua thời tiết nắng nóng nhất trong lịch sử vào tuần trước. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến nhiệt độ trên thế giới tăng cao là sự ấm lên toàn cầu.