Thông điệp sau việc các "ông lớn" Nhật Bản dính bê bối gian lận

Ngọc Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sụp đổ của một loạt các tập đoàn Nhật Bản cho thấy dấu hiệu của trật tự cũ đang kết thúc.

Văn phòng tại Tokyo của 2 “ông lớn” xây dựng Nhật Bản là Shimizu Corp và Kajima Corp vừa bị các công tố viên lục soát trong một động thái mở rộng cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có gian lận liên quan đến một tuyến đường sắt đệm từ (maglev) trị giá 80 tỷ USD.
 Shimizu Corp đang bị điều tra vì gian lận.
Đây là vụ bê bối mới nhất trong chuỗi scandal tại các công ty Nhật Bản, diễn ra không lâu sau khi một số công ty công nghiệp lớn của nước này bị phát hiện hành vi làm giả dữ liệu. 
Cuộc lục soát được diễn ra một tuần sau khi nhà chức trách nước này mở cuộc điều tra nhằm vào một “đại gia” xây dựng khác là Obayashi Corp cũng vì nghi vấn gian lận trong đấu thầu hợp đồng liên quan đến dự án đường sắt đệm từ.
Theo truyền thông Nhật Bản, 4 “ông lớn” xây dựng Nhật Bản gồm Obayashi, Taisei, Kajima và Shimizu đã chia đều nhau số hợp đồng chiếm tổng cộng khoảng 70% dự án tàu đệm từ nói trên. Được hậu thuẫn bởi vốn nhà nước với lãi suất ưu đãi, dự án tàu đệm từ nối giữa Tokyo, Nagoya và Osaka vốn đã vấp phải nhiều chỉ trích vì chi phí tốn kém.
Tình trạng gian lận đấu thầu vốn là một vấn đề nhức nhối trong ngành công nghiệp xây dựng Nhật Bản. Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã thắt chặt quy định pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong đấu thầu. Sau đó, một loạt lãnh đạo của nhiều công ty xây dựng đã phải từ chức do dính líu đến bê bối liên quan đến các dự án hạ tầng công cộng.
 Các tập đoàn xây dựng Nhật Bản đang đối mặt với yêu cầu cải tổ.
Những vụ bê bối này sẽ gây thiệt hại lâu dài cho danh tiếng của các DN Nhật, vốn được biết đến với chất lượng sản xuất hàng đầu. Trước Shimizu Corp và Kajima Corp, một loạt tập đoàn của Nhật như Toyota Motor Corp, hãng sản xuất túi khí Takata Corp, nhà sản xuất thép Kobe Steel... cũng đồng loạt vấp phải bê bối gian lận.
Điều này cho thấy rằng, với sự già hóa và thu hẹp dân số, Nhật Bản đang đứng trước nhu cầu cải tổ và tăng cường hệ thống quản lý DN nếu muốn duy trì nền kinh tế quốc nội đang hồi phục. Nhà nghiên cứu Naoshi Ikeda, Học viện công nghệ Tokyo cho biết, một vấn đề trong nền kinh tế thứ 3 thế giới là việc nhiều công ty Nhật đang sở hữu chéo cổ phần của nhau. Điều này dẫn đến một thực tế tất yếu là sẽ xảy ra các thỏa thuận ngầm. 
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, các công ty rất ít chi tiêu cho cả vốn đầu tư và bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Họ cũng ít tham gia vào việc cơ cấu lại DN. Trong khi đó, chi tiêu vốn và R&D là hoạt động quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng và mở rộng sang các thị trường mới, còn tái cơ cấu là việc bắt buộc để thúc đẩy hoạt động hiệu quả. Nói cách khác, để cải thiện tính năng động, tăng trưởng và hiệu quả của các công ty và để giảm tỷ lệ các vụ bê bối, Nhật Bản cần giảm sự ảnh hưởng của cổ đông đối với các nhà quản lý DN, nhà nghiên cứu Naoshi Ikeda nhấn mạnh.