[Thông điệp từ lịch sử] Công cụ chống tham nhũng của các nhà nước phong kiến Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng là một dạng tha hóa quyền lực, là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Nó xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Và các nhà nước phải liên tục chống lại sự tha hóa này để bảo vệ chính sự tồn tại của mình. Pháp luật là công cụ để chống tham nhũng và mỗi nhà nước có một công cụ riêng, cách sử dụng riêng.

Hình thư, Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ
Cho đến nay, lịch sử ghi nhận có 3 bộ luật của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Đó là Hình thư của nhà Lý, Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) của nhà Lê và Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long); trong đó, Hình thư đã thất truyền.

Tùy vào trình độ phát triển tư pháp của các triều/thời đại, ở các mức độ khác nhau, các bộ luật đều có phạm vi điều chỉnh khá toàn diện các lĩnh vực, trong đó đều có các điều khoản quy định xét xử các tội tham nhũng, tham ô.

Hình thư do Thái Tông hoàng đế nhà Lý ban hành năm 1042 được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đã bị thất truyền nhưng qua các ghi chép rời rạc trong các bộ sử cho biết, Hình thư gồm 3 quyển, quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; các biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; về thuế khóa…
 Sách ''Quốc triều hình luật''.
Hình thư bị thất truyền nhưng qua ghi chép của sử cũ có thể hình dung công cuộc chống tham nhũng của nhà Lý. Ví dụ: Năm 1043, Lý Thái Tông đặt thêm quy định: Ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu; quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ.

Cũng năm 1043, vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa): “Ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”.

Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức) do vua Lê Thánh Tông cho xây dựng và ban hành. Bộ luật có 13 chương, 722 điều. Trong đó, có 76 điều nói đến tội tham nhũng và các hình thức xử phạt, bao gồm các tội: Nhận hối lộ; Biết tội phạm mà không báo cáo lại còn ăn hối lộ để bao che; Đòi hối lộ; Giấu đất đai, tài sản của công để chiếm đoạt hoặc lợi vụ chức quyền để vụ lợi; Đòi tiền lương, tiền công quá mức; Bổ nhiệm, tuyển dụng, thuyên chuyển quan chức, người làm việc không đúng quy định; Quan lại được bổ nhiệm ngoài quy định; Bổ nhiệm luân chuyển tùy tiện; Quan lại thực hiện nhiệm vụ chậm trễ hoặc dùng của công vào việc riêng. Các tội tham ô, tham nhũng đều có mức xử phạt rất cao, có thể từ tội biếm tư đến tội tử.

Nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm và bổ sung hoàn thiện luật, Lê Thánh Tông còn thường xuyên ra các sắc, chỉ dụ để vừa xử lý các trường hợp cụ thể vừa thể chế hóa thành luật, thành văn, thành công cụ pháp luật của triều đình để quan lại và Nhân dân tuân theo thi hành. Năm 1465, Lê Thánh Tông: “Dụ các quan trấn, huyện lựa chọn huyện lại trong nha môn của mình xem người nào tài giỏi, liêm khiết, quen thạo việc tấu sớ thì đặt mỗi nha một người thường xuyên để tiện làm việc”. Năm 1472, “tháng 5 ra sắc chỉ rằng những điển nào thanh liêm, cần mẫn thì được thanh chức bổ chức phó nhị”...

Sang thời Lê Trung hưng, đã có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới nhưng nhìn chung triều đình nhà Lê vẫn lấy Luật Hồng Đức làm nền tảng pháp lý.

Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) được xây dựng trên cơ sở Đại Thanh luật lệ và Luật Hồng Đức, ban hành năm 1815. Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển, 7 chương, gồm 398 điều và 30 điều tỷ dẫn. Phần lớn các điều đều gắn với nhiệm vụ và sự cai quản của 6 bộ (Lại, Công, Lễ, Hộ, Binh, Hình). Đó là Lại luật, Công luật, Lễ luật , Hộ luật, Binh luật, Hình luật. Có 166 điều về hình luật. Nhìn chung bộ luật này nghiêm/hà khắc hơn nhiều so với Luật Hồng Đức.

Hoàng Việt luật lệ có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham ô, nhũng nhiễu, trong đó, nhiều điều rất hà khắc, như: Quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội rất nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hóa, vật tư, tiền công thì tùy theo giá trị hiện vật để xử phạt, nhẹ thì mỗi thứ hàng hóa, vật tư phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình...

Điều đáng nói là cùng với Hoàng Việt luật lệ, nhà Nguyễn, nhất là dưới thời vua Minh Mệnh, Luật Hồi tỵ đã được thực hiện một cách triệt để nhất để phòng chống tham nhũng. Các quan lại, lại mục, thông lại không được làm quan ở chính quán, trú quán, ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cùng một làng, xã cũng phải phân tán, đổi bổ đi nơi khác. Các quan từ tham biện trở lên khi về Kinh đô chầu được đình nghị không được tham gia các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách.

Thẩm hình, Đại lý tự và Đô sát viện

Cùng với việc xây dựng và ban hành các bộ luật, các triều đại phong kiến Việt Nam trong bộ máy nhà nước của mình đã đặt ra các cơ quan nhằm kiểm soát và thực thi pháp luật. Qua các triều đại, hệ thống này được điều chỉnh và hoàn thiện hơn để phù hợp đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển của mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể.

Thời nhà Lý, cùng với việc ban hành Hình thư, đã lập các cơ quan tư pháp như Bộ Hình và Thẩm hình để điều tra xét xử các vụ án, trong đó có án tham nhũng như sử đã ghi.

Sang thời Lê, triều Lê Thái Tổ chỉ có 3 bộ (Lại, Lễ, Dân/Hộ) nhưng sang triều Lê Thánh Tông ngoài 6 bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công) còn có Lục tự (Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thượng bảo tự). Trong đó, Đại lý tự là cơ quan phụ trách hình án, có chức năng như một cơ quan điều tra xét hỏi. Xét xong án, Đại lý tự chuyển sang Bộ Hình để tâu lên vua quyết định. Cấp địa phương, mỗi thừa tuyên có 3 ty: Đô tổng binh sứ ty (phụ trách quân sự), Thừa tuyên ty (phụ trách các việc dân sự), Hiến sát ty (phụ trách các việc thanh tra, giám sát). Điều này chứng tỏ Lê Thánh Tông rất quan tâm đến việc thực thi pháp luật mà trước tiên là xây dựng bộ máy tư pháp.

Sang thời Nguyễn, việc xây dựng các cơ quan thực thi pháp luật càng được chú ý hơn. Năm 1804, vua Gia long đặt Ngự Sử đài để phụ trách công việc giám sát tối cao. Năm 1827, vua Minh Mệnh đặt thêm các Cấp sự trung lục khoa và Giám sát ngự sử tại các đạo. Năm 1832, Đô sát viện được thành lập để làm công việc giám sát tối cao, cùng với Đại lý tự - cơ quan xét xử và Bộ Hình trở thành hệ thống tư pháp của triều đình. Đứng đầu Đô sát viện là 4 vị đại thần. Dưới 4 vị này là Lục khoa gồm 16 vị Giám sát ngự sử. Tại kinh thành, Lục khoa là các cơ quan Đô sát viện giám sát tất cả các bộ, nha cấp trung ương. Tại địa phương, Giám sát đạo là các cơ quan Đô sát viện giám sát tất cả các nha cấp địa phương. Dưới nữa còn có một Ty thanh lại hỗ trợ cho Đô sát viện. Đô sát viện có quyền đơn phương hoặc hợp tác cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và phản ánh tất cả mọi mặt lớn nhỏ, từ chính trị, quân sự, pháp luật tới kinh tế, giáo dục… ở mọi cấp từ trung ương tới địa phương, quan lại lẫn người trong tôn thất, và có quyền trực tấu.q
Các bộ luật, các cơ quan tư pháp đã rất hữu ích trong chống tham nhũng, chống tha hóa quyền lực để bảo vệ vương triều, yên dân, phát triển kinh tế và bảo vệ, mở mang bờ cõi. Chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều yếu tố hợp lý, nhiều bài học trong việc xây dựng và thực thi pháp luật cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay.