Chúc mừng năm mới

[Thông điệp từ lịch sử] Hồ Chí Minh - Nhà kiến tạo tài ba, vị đại biểu xuất sắc của Quốc hội Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tìm đường cứu nước, lãnh đạo công cuộc giành độc lập thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người kiến tạo nhà nước dân chủ nhân dân theo thể chế cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.

Quốc hội nước Việt Nam độc lập là thiết chế chính trị nền tảng mà Người đã góp phần kiến tạo nên và trở thành vị đại biểu xuất sắc nhất, gương mẫu nhất, nhiều đóng góp nhất trong suốt lịch sử 75 năm qua.
Nhà kiến tạo tài ba

Năm 21 tuổi (1911), Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc/ Hồ Chí Minh bắt đầu dấn thân tìm đường cứu nước. Người đã chọn và đi theo con đường của Lê Nin nhưng đích đến vẫn là Dân tộc, là Độc lập cho dân tộc, Tự do cho Nhân dân. Người mong muốn và phấn đấu xây dựng một nhà nước kiểu mới, của dân, do dân và vì dân.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và ra Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.
Bác Hồ thăm khu vực bầu cử A.10, khu Ba Đình, Hà Nội tháng 4 năm 1964. Ảnh tư liệu
Ngay sau đó, Quốc hội - thiết chế chính trị - pháp lý nền tảng của quốc gia/nhà nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu tiên quan tâm thúc đẩy thiết lập thông qua Tổng tuyển cử.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu…”. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 14-SL về Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.

Tiếp đó, ngày 26/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Trong bối cảnh phải cùng lúc đối phó với ba thứ giặc (ngoại xâm, đói và dốt), việc khẩn trương tổ chức Tổng tuyển cử là một cuộc vận động/đấu tranh chính trị/giai cấp/dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng mũi chịu sào. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tuyển cử “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà...”; Để bầu ra Quốc hội là tổ chức duy nhất đủ thẩm quyền ban hành một Hiến pháp - nền tảng pháp lý cần thiết cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được xây dựng.

Dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để tránh khủng hoảng chính trị giữa các đảng phái và có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Hướng đến mục tiêu lớn là Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ cho các đảng phái mặc dù trước đó do lệnh hoãn không đến kịp nên vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước (23/12/1945) ở một số tỉnh phía Nam.

Đó không chỉ là giải pháp “kỹ thuật” mà còn thể hiện tầm tư duy chính trị lão luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chậm nửa tháng nhưng tạo sự ổn định cần thiết để đảm bảo Tổng tuyển cử được tiến hành thuận lợi.

Cuộc Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp; Đã bầu được 333 đại biểu, trong đó Việt Minh chiếm 120 vị, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 vị, Đảng Xã hội Việt Nam 24 vị, và 143 vị không đảng phái, có 10 vị nữ; 34 vị dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng. Hai đảng đối lập Việt Quốc, Việt Cách không tham gia tranh cử, nhưng được đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội.

Một điều cần nói là đồng thời với quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 20/9/1945, Người ký sắc lệnh số 34/SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ. Dự thảo Hiến pháp sau một thời gian chuẩn bị đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và công bố trên báo chí vào tháng 11/1945 để toàn dân tham gia góp ý kiến.

Đồng thời với dự thảo của Ủy ban dự thảo Hiến pháp của chính phủ thì Ủy ban kiến thiết quốc gia (được thành lập tháng 10/1945 gồm những nhân sĩ trí thức danh tiếng) cũng soạn thảo một bản Dự thảo Hiến pháp đệ trình Chính phủ.

Tiếp đó, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã nghiên cứu cả hai Dự thảo và “tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm về Hiến pháp của các nước Âu - Á” để đưa ra một bản Dự thảo Hiến pháp để trình Quốc hội.

Sau nhiều thảo luận, tranh luận và bổ sung, sửa đổi, ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thông qua toàn Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đây là Hiến pháp thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc, dân chủ, giá trị pháp lý văn minh, tiến bộ và phổ quát của thế giới; mang đậm dấu ấn tư tưởng chính trị, pháp lý và văn hóa Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiến trúc sư của công trình pháp lý kỳ vĩ này.

Người đại biểu xuất sắc

Không chỉ là kiến trúc sư cuộc Tổng tuyển cử bầu nên Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là đại biểu xuất sắc có công lao hướng Quốc hội đến những hoạt động thiết thực có giá trị to lớn đến lợi ích của quốc gia/dân tộc và Nhân dân.

Điều Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu là sự đoàn kết thống nhất của Quốc hội. Khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Trong suốt 23 năm tham gia Quốc hội, Người vẫn thường xuyên đề cao vấn đề này. Nhờ đó, Quốc hội Việt Nam đã có truyền thống đoàn kết, thống nhất từ ý chí đến hành động trong suốt 75 năm qua.

Để có một Quốc hội mạnh mẽ, sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần dân chủ và đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích của Nhân dân, các đại biểu phải hành động trên nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về Nhân dân. “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.

Khi được đề nghị không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử; ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bức thư cảm tạ và quyết định “là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đại biểu Quốc hội cần - kiệm - liêm - chính và Người luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng Nhân dân noi theo. Với Người, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” vì “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

75 năm đã qua kể từ khi Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I nhưng vài trò kiến tạo, lãnh đạo và tấm gương người đại biểu chân chính, trung thành, gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sáng mãi.

(Các trích dẫn trong bài có nguồn từ Hồ Chí Minh toàn tập; tập 4; NXB Chính trị quốc gia - Sự thật; HN 2011)
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Nhân dân sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng vào Quốc hội; không để ai “nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”và cảnh báo việc “tìm cách gây bè cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình”.