[Thông điệp từ lịch sử] Trần Quốc Tuấn - một góc nhìn khác

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài năng lẫy lừng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp châu lục, thế giới.

Ông là người gắn liền với chiến công đánh tan ba cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông , trong đó có hai cuộc với tư cách là vị tổng chỉ huy quân đội. Đằng sau hình ảnh của một vị tướng văn võ toàn tài, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn còn là người biết nhẫn mình vì nghĩa lớn.
Đại vương nghe lời… gia nô
Trần Quốc Tuấn mới sinh đã có tướng mạo khôi ngô, lớn lên thông minh hơn người. Lúc mới sinh ra, một thầy tướng nhìn Trần Quốc Tuấn và nhận xét đây là người “ngày sau có thể giúp nước cứu người”.
Tuy nhiên, bố của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu không chỉ mong muốn con trai của mình là người sẽ “giúp nước, cứu người” mà còn có thể giành lấy giang sơn về cho gia đình, trả mối thù riêng cho ông.
 Tượng đài Trần Quốc Tuấn tại TP Nam Định.
Năm Đinh Dậu (1237), Thái sư Trần Thủ Độ sau khi giành vương quyền từ họ Lý về cho họ Trần đã có quyết định táo bạo nhưng gây ra mối thù riêng bất cộng đới thiên: Ép Trần Liễu nhường vợ là Thuận Thiên Công chúa (chị của Lý Chiêu Hoàng) cho em ruột là vua Trần Thái Tông. Điều đáng nói là vợ của Trần Liễu đang có thai ba tháng, tức ông này vừa mất vợ vừa mất con. Trần Liễu uất ức nổi binh làm phản nhưng bị thua và bị bắt nhưng được tha tội chết.
Sinh được người con khôi ngô, tuấn tú, thông minh hơn người là Trần Quốc Tuấn, Trần Liễu tìm và mời về nhiều thầy giỏi về dạy cho con mình. Ý định của ông thật lớn lao: Đứa con sau này khi đủ bản lĩnh sẽ giành lấy vương quyền cho gia đình và tất nhiên lúc đó ân trả ân, oán báo oán. Những người thầy về dạy cho Trần Quốc Tuấn chưa thấy sách sử nào cho biết, nhưng đọc kỹ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên sẽ hé lộ ra nhiều điều.
Trước khi chết, An Sinh Vương Trần Liễu cầm tay con căn dặn: “Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”. Lời của người cha trước khi chết là lời nặng tựa núi, không thể không vâng.
Đại Việt Sử ký toàn thư có viết: “Đến khi nước lung lay, quyền bính quân quốc ở tay mình, Quốc Tuấn đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu” (Đại Việt sử ký - Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 331, NXB văn học 2009).
Chi tiết này tiết lộ nhiều điều: Thứ nhất, Trần Quốc Tuấn không phải không nghe lời cha mình. Ông là người cực kỳ thông minh nên biết phải ẩn mình chờ thời, đợi khi mình có quyền bính, quân đội trong tay. Lúc hỏi hai “gia nô”, tức là lúc ông đầy đủ điều kiện “giành thiên hạ” đáp ứng lời trăn trối của thân phụ. Ông cũng không phải là người không biết cha mình là ai, vì sao lại có tham vọng lớn lao như thế.
Thứ hai, xin chú ý đến hai “gia nô” là Yết Kiêu và Dã Tượng, hai người được Trần Quốc Tuấn hỏi ý kiến.
Yết Kiêu là mãnh tướng với biệt tài thủy chiến. Ông là người bơi lặn giỏi, đã sử dụng tài của mình để đục thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông. Nhiều truyền thuyết về nhân vật lẫy lừng này.
Dã Tượng cũng là một mãnh tướng dưới trướng của Trần Hưng Đạo. Dã Tượng là người có tài thuần phục và huấn luyện voi chiến. Ông là người đã chỉ huy lực lượng tượng binh Nhà Trần giao chiến với kỵ binh quân Nguyên ở trận Vạn Kiếp.
Ông cùng với Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là 5 thuộc hạ tài giỏi và trung thành của Hưng Đạo Vương. Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, ông đóng góp đắc lực, tận tình bảo vệ chủ tướng. Chính ông và Yết Kiêu có công lớn trong trận bắt sống Toa Đô.
Ngoài ra, Trần Quốc Tuấn còn những “môn khách” tài năng phi thường: Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu…
Có thể đoán rằng, Trần Liễu để giúp con mình giành thiên hạ nên đã mời nhiều người giỏi dạy văn võ cho Trần Quốc Tuấn, đồng thời những người này sẽ chiến đấu bên cạnh Trần Quốc Tuấn. Phải chăng vì mưu đồ lớn lao này cần phải thực hiện hết sức bí mật nên những người tài đến với nhà Trần Liễu đều ở thân phận “gia nô”? Thực ra họ vừa là thầy, vừa là bạn của Trần Quốc Tuấn, những người sẽ giúp ông đoạt ngôi vị chí tôn?
Hai “gia nô” Yết Kiêu và Dã Tượng đã khuyên Trần Quốc Tuấn vì đại nghĩa bỏ thù riêng, vì giang sơn xã tắc mà quên đi lời cha dặn, tức bất hiếu.
Hai gia nô can rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một lúc nhưng tiếng xấu ngàn năm (sđd, trang 331). Nghe lời của hai "gia nô", “Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi mãi”.
Hai “gia nô” có tấm lòng trung nghĩa lớn lao, hai ông đã giúp Trần Quốc Tuấn hóa giải được khối ẩn ức kinh khủng bấy lâu nay: Vì non sông xã tắc hay vì lời cha dặn? Đến đây chúng ta có thể hiểu, Trần Quốc Tuấn một mặt vẫn nhớ lời cha dặn, mặt khác từ lâu đã không muốn vâng lời cha. Câu hỏi của ông với hai gia nô - trong trường hợp này là những vị tướng dưới quyền thận tín là dịp để ông có cơ hội giải quyết xung đột trung - hiếu, điều nhiều lúc rất khó vẹn toàn.
Lời tâu vua lúc bệnh trọng
Trần Quốc Tuấn với áng hùng văn Hịch tướng sĩ (Bình gia diệu lý yếu lược) đã thể hiện rõ tấm lòng vì dân, vì nước của ông. Trần Quốc Tuấn với Vạn Kiếp tông bí truyền thư - sách dạy về binh pháp, thể hiện ông là bậc thầy về nghệ thuật quân sự. Trần Quốc Tuấn với nhưng trận đánh lẫy lừng mà trận Bạch Đằng Giang là điển hình nhất chứng tỏ ông là vị tướng thực chiến tài năng lỗi lạc. Có bài viết cho rằng, nếu thời ấy, ông sinh ra ở châu Âu thì châu lục này đã không bị vó ngựa quân Mông Cổ giày xéo đến tan hoang.
Sách sử kể lại: Khi Trần Quốc Tuấn ốm nặng, nhà vua đến thăm và hỏi lỡ ông chết mà giặc phương bắc xâm lược thì làm sao?
Vị tướng già nói với vua khá kỹ về cách dụng binh, những nghệ thuật quân sự, kể cả cách xem tình thế của giặc để tùy vào đó mà đánh. Ông nói về dùng người hiền tài, toàn dân đoàn kết: “Vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục”.
Cuối cùng, ông nói về việc “khoan thư sức dân” để làm kế sâu rễ bền gốc, “đó là thượng sách giữ nước”.
“Thượng sách giữ nước”, “giữ nước” lời tâu vua của Trần Quốc Tuấn đã qua hàng trăm nay vẫn như còn vang vọng, sóng Bạch Đằng Giang thuở xưa vẫn rì rào kể chuyện cha ông oai hùng. Trần Quốc Tuấn và tấm lòng sáng ngời trung nghĩa soi rọi mãi mãi cho hậu thế.

"Nay các ngươi ngồi nhìn chúa nhục mà không lấy làm lo; nếm mùi nước nhục không lấy làm xấu. Là tướng nhà nước đứng hầu rợ mọi mà không bực tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ giặc mà không căm hờn.

Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thú; có kẻ chăm ruộng vườn để nuôi gia tiểu; có kẻ luyến vợ con chỉ vì bản thân; trông sản nghiệp mà quên việc quân quốc, mê săn bắn mà lười việc tập tành; hoặc thích rượu ngon hoặc ham hát nhảm.

Lỡ ra có giặc Mông Thát đến thì cựa gà trống đá thủng áo giáp của giặc; thuật đánh bạc không thể làm mưu quân; cái giàu ruộng vườn không chuộc được thân nghìn vàng; cái lụy vợ con không thể việc quân quốc; của cải có nhiều không thể mua đầu giặc; chó săn có mạnh không thể đuổi kẻ thù; rượu ngon không thể đánh thuốc giặc; hát nhảm không thể điếc tai giặc”… (Trích Hịch tướng sĩ, sđd, trang 334).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần