Thú cổ ngoạn Hà thành xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít những nét đẹp trong thú bày cổ ngoạn tao nhã, giàu tính văn hóa đã đi theo những mùa xuân xưa. Nhưng chúng còn vọng lại trong những gì mà lớp hậu sinh còn nhớ, còn giữ được.

Giáp Tết, những đồ vật này sẽ được sắp xếp lại để “đón xuân”, đón khách.
Giáp Tết, những đồ vật này sẽ được sắp xếp lại để “đón xuân”, đón khách.
Tết tỉ mẩn với đồ cổ

Giới sưu tầm, chơi cổ vật vẫn truyền nhau về những bậc lão làng trong làng cổ vật Hà thành xưa. Theo đó thì có khoảng 15 đến 20 cụ thuộc hàng “đình đám”. Trong số đó có 4 cụ có thể gọi là “tứ trụ”, nhiều đồ đẹp nhất, sành chơi nhất. Đó là cụ Vĩnh có phòng bày đồ ở phố Lý Thái Tổ, sau này nơi đó là hiệu kem bốn mùa, cụ Nguyên Ninh có hiệu bánh cốm Nguyên Ninh nổi tiếng ở phố Hàng Than, cụ Được ở Nguyễn Trường Tộ và nhà văn Ngọc Giao ở phố Châu Long. Tất nhiên cũng sẽ có những nhận xét khác nhau, nhưng những người đã được hậu sinh trân trọng như thế, ắt hẳn cũng không “vừa”!Theo một số chia sẻ thì hồi trước khi Hà Nội giải phóng, nhiều người sành chơi hay bày đồ Tàu vì chủng loại rất phong phú, hình thức đa dạng và đương nhiên là đẹp. Nhiều người bày quanh năm chứ không cứ ngày Tết. Nhưng Tết luôn là một dịp đặc biệt nên người chơi cũng có những chú trọng nhất định trong việc lau chùi cho đồ thêm bóng đẹp, điều chỉnh đồ một chút như đưa ra thay một số món, bày bộ khác. Một số người có dịp được giao lưu, học hỏi các cụ kỳ cựu nên áp dụng được vào lối chơi của mình.
Thú cổ ngoạn Hà thành xưa - Ảnh 1
Có người vào những năm sau 1954 vẫn học các cụ, chuyên đồ Tàu. Tùy theo diện tích phòng và kích cỡ món đồ mà người ta sắp đặt, gia giảm. Phòng 10m2 vẫn bày được với 1 - 2 món gỗ, 1-2 món sứ, 1 món đồng, trên treo 1 món đồ sơn thếp cho “thông thoáng”. Phòng 20m2, 50m2, thậm chí lớn hơn, nếu biết cách, giàu kinh nghiệm và tinh tế, bày càng đẹp, nhưng tất nhiên phải nhiều đồ hơn, sắp xếp kỳ công hơn. Về nguyên tắc, ngoài việc phải có đủ các đồ gỗ là nền tảng cho việc bày đồ thì ngày Tết cũng như ngày thường, phải tuân thủ sự đăng đối và tiêu chí thấp - cao. Lại phải kết hợp với nguyên tắc hội họa, sắc màu nhẹ như trắng, vàng… lên trên, sắc màu nặng như đỏ, xanh… để dưới thấp.

Ngày Tết, trong nhà nếu cắm nhiều hoa, phải rất chú trọng về màu sắc, loài hoa. Với đồ Tàu, không thể dùng các loại hoa châu Âu mà phải dùng hoa theo phong cách Trung Quốc như đào, thược dược, sen, hồng, cúc, mẫu đơn, hồng tú cầu… mà ở Việt Nam khi đó cũng có, chỉ không có mẫu đơn. Với những lọ, bình nhỏ, sẽ được cắm hoa màu nhẹ. Với đồ lớn hơn, thường dành cho hoa màu nặng, đậm.

Người chơi cũng rất chú trọng dáng hoa để bày với đồ cho phù hợp. Có người không chơi đào vì thời bao cấp đào thế tìm rất khó mà đào kiểu “bu gà” thì có thể không thích, nên thường sắm về thược dược, cúc, hồng… Hoặc hiếm hoi kiếm được cành mai thế điểm mấy bông hoa trắng thì đã là quý giá lắm! Bày xong, hẹn mấy người bạn thân đến ngồi nói chuyện là thấy mùa Xuân đã hiện diện trong nhà rồi.
Hoàng Thi
Người Hà Nội xưa bày đồ chơi Tết

Nhà sưu tập Ngô Mạnh Cường ở phố Châu Long còn nhớ những cuộc gặp ngày Tết của ông nội, ông thân sinh và bằng hữu của các cụ trong những phố phường Hà Nội năm nào.
Ông Ngô Mạnh Cường và chiếc bình pha lê đựng thủy tiên.
Ông Ngô Mạnh Cường và chiếc bình pha lê đựng thủy tiên.
Các cụ có chiếc tủ cất đồ - ông Cường kể: Mùa nào thức nấy, theo thời tiết, theo mục đích sử dụng, chứ không “trưng bày” như cửa hàng để mà phô trương. Bày đồ phải chọn, phải tinh, ứng hợp âm – dương, cao – thấp, vuông – tròn… Không có trường lớp về sự bày đồ thì các cụ học tranh truyện, phim ảnh, học nhau. Gần Tết thường vẫn lạnh, người chơi bày đồ màu nóng, sẫm.

Cành đào “bu gà” nhỏ cắm lọ trên ban thờ. Sát tường, trên chiếc bàn cuốn hoặc nhị sơn là chiếc lọ nhỏ, miệng nhỏ tí, cắm cành mai ngả xuống, gọi là thế huyền. Để một quả phật thủ ở dưới chỗ mai ngả xuống ấy, hoặc quả táo đỏ, quả lê vàng, có thể chọn bức tượng nhỏ ông Lý Bạch đang nằm, có khi thay tượng ông Lưu Linh. Dưới gầm kỷ, các cụ đặt tượng con thiềm thừ là con cóc ba chân, thích ngửi khói trầm của các ông tiên. Có khi thay bằng chậu tóc tiên trên chiếc kỷ thấp, giữa đám tóc tiên đặt hòn lũa bé. Bàn tròn giữa nhà có chiếc lọ cắm hai ba giò địa lan. Hoa còn có cúc đại đóa hay cúc móng rồng. Chiếc bình pha lê chân cao trong suốt đặt củ thủy tiên đã gọt cẩn thận, nhìn hết cả bộ rễ.

Phòng rộng thêm đồ, phòng hẹp cất bớt bình, lọ đi. Nhà sưu tập ngẫm ngợi: Các món đồ, cây và hoa… tạo nên thế liên hoàn, hô ứng. Khách đến, chủ nhà đốt trầm trong chiếc đỉnh nhỏ, quyện với mùi địa lan ngào ngạt, rất vương giả.
Dương Xuân
Tết nhớ ông nội

Nhà sưu tập Nguyễn Trường – Chủ nhiệm CLB những người yêu cổ ngoạn Hà Nội còn nhớ hình ảnh ông nội là cụ Nguyễn Mai trong căn phòng ở số 11 Hàng Gai – Hà Nội. Phòng sạch sẽ, ngăn nắp, lúc nào cũng gọn gàng và các món đồ được bày có hệ thống, có kiểu, có bộ cẩn thận.
Cụ Nguyễn Mai tại phòng khách ngôi nhà 11 Hàng Gai năm xưa.
Cụ Nguyễn Mai tại phòng khách ngôi nhà 11 Hàng Gai năm xưa.
Ngày trước cụ Mai có cửa hiệu Phúc Nguyên ở phố Hàng Đào. Căn phòng Hàng Gai cụ dành chơi cổ vật. Thường ngày các cháu cũng không được vào, sợ nghịch làm vỡ. Chỉ có ngày Tết khi con cháu đông đủ bên ông bà. Ông Trường giới thiệu bức ảnh chụp cụ Mai trong căn phòng, được nhà nhiếp ảnh có tiếng lúc bấy giờ là Lê Đình Chữ chụp vào dịp Tết. Trong ảnh có bức tranh cổ mà theo ông Trường là màu đỏ, vẽ một ông quan mà thường chỉ dịp Tết cụ Mai mới đem ra treo. Dưới bức tranh là cái tíu bày chiếc lọ. Phía dưới là cái sập, không phải để nằm, mà để ngồi chơi. Vào dịp Tết, cụ Mai với cụ bà hay ngồi đó gấp giấy đỏ làm phong bao mừng tuổi cho các cháu.

Căn phòng theo trí nhớ ông Trường, khoảng 40m2, bày bộ xa lông, trường kỷ, góc phòng có tủ bày đồ, hai bên bức tranh là cặp câu đối. Ngày Tết, thường cụ Mai không để hoa trong nhà, trừ thủy tiên đã được gọt cẩn thận đặt trên bàn đợi nở, mà hầu hết đặt ngoài sân của ngôi nhà ống đặc trưng phố cổ Hà Nội với các loại như địa lan, đỗ quyên, trà…

Sau này tôi cũng bày, nhưng nói chung theo ý thích và điều kiện cho phép - ông Trường cho biết: Có đôi câu đối đỏ rực từ thời các cụ, nói về mùa Xuân đem đến những điều no ấm, an lành, nay vẫn giữ được, Tết đến tôi lại đem ra treo.

Ngoài cổ vật, ông Trường còn sưu tập tranh, nên thường đem tranh con giống trong bộ các con giáp ứng với Tết năm đó ra bày. Ông kể, Tết thời bao cấp người ta thường in bán bộ tranh tố nữ với hình ảnh bốn cô gái đẹp hát, chơi nhạc cụ. Trước nữa, vào dịp Tết, người ta hay treo bức chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trang trí với ảnh chân dung Bác Hồ ở giữa bức cuốn thư. Nhìn bức ấy nhiều màu sắc cũng thấy có không khí. “Bây giờ tuổi tác không cho phép mình bày biện kỹ càng, kỳ công như các cụ. Nhưng Tết cũng vẫn muốn sắp xếp cái gì đó mới, khác ngày thường một chút, sao cho tươi tắn, ấm cúng là đẹp rồi. Đương nhiên, quan trọng nhất là sự sum họp của cả gia đình” - nhà sưu tập chia sẻ.
Lưu Nguyễn