Thủ đô Moscow chứng kiến đợt nóng kỷ lục chưa từng xảy ra trong 120 năm

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Moscow của Nga vừa trải qua ngày tháng 6 nóng nhất trong 120 năm, sau khi nhiệt độ chạm ngưỡng 34,7 độ C và dự kiến những ngày tới còn nóng hơn.

Cơ quan thời tiết Nga Roshydromet cho biết 21/6 là ngày tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1901 mà Moscow từng ghi nhận với mức nhiệt 34,7 độ C. Roshydromet dự đoán ngày 24 và 25/6 còn nóng hơn, với nhiệt độ trên 35 độ C.
 Thủ đô Moscow của Nga đang chứng kiến những ngày tháng 6 nóng nhất trong vòng 120 năm qua khi nhiệt độ lên đến 34,7 độ C. Ảnh: AFP
"Sự gia tăng nhiệt độ tại thủ đô Moscow trong những ngày này là chưa từng có trong 120 năm qua. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu toàn cầu”, Marina Makarova - chuyên gia của Roshydromet, cho biết.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Moscow là hơn 38 độ C vào tháng 7/2010, khi phần lớn miền tây nước Nga hứng chịu một đợt nắng nóng lớn cùng cháy rừng.
Không chỉ tại Moscow, St.Petersburg - thành phố lớn thứ hai của Nga, cũng ghi nhận thời tiết nắng nóng tháng này, với nhiệt độ 34 độ C, cao nhất từ năm 1998.
Thời tiết nắng nóng bất thường khiến phần lớn người dân Moscow cảm thấy khó chịu. "Chúng tôi không quen chịu nóng như thế này", Pavel Karrapetyan, 35 tuổi, kiểm toán viên, cho hay và nói thêm rằng thật "khó khăn" để sinh hoạt trong thời tiết nắng nóng.
Trong khi đó, một số ít người lại háo hức khi chứng kiến đợt nóng kỷ lục tại thủ đô Moscow. “Chúng tôi đến từ Siberia. Ở đó rất lạnh, vì vậy thật tuyệt khi được tới Moscow", du khách Alexander Shmel, 33 tuổi, cho hay.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên cùng biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, đồng thời mức độ ảnh hưởng cũng lan rộng hơn.
Nga đã ghi nhận nhiều kỷ lục thời tiết trong những năm gần đây. Hồi tháng 6/2020, nhiệt độ đo được ở thị trấn Verkhoyansk là 38 độ C, mức cao nhất từng ghi nhận tại Vòng Bắc Cực.
Nhiệt độ tăng cao cũng góp phần gây lũ lụt và cháy rừng, ảnh hưởng tới Siberia ngày càng thường xuyên và khiến lớp băng bao phủ khoảng 2/3 lãnh thổ rộng lớn của Nga tan chảy.
Tuy nhiên, Nga cũng hưởng lợi từ biến đổi khí hậu. Băng tan giúp kéo dài thời gian hoạt động vào mùa hè của tàu thuyền trên tuyến hàng hải Bắc Cực của Nga, được gọi là tuyến đường biển phía bắc/.