Thu hút cổ đông chiến lược trong Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Vì sao không hấp dẫn?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo công bố Báo cáo Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức chiều 30/10, nhiều đại biểu đánh giá, quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của các DNNN CPH thời gian qua là chưa thành công, thậm chí là thất bại.

Nhà đầu tư chiến lược “chê” doanh nghiệp Nhà nước
Kết quả khảo sát 46 Tổng Công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011 - 2016 của CIEM chỉ ra, đa số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước quy mô lớn chưa thu hút được cổ đông chiến lược. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược thấp, kém thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài. Trong số 46 DN này có 14 DN trong phương án CPH không bán cho nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL), 2 DN bán cổ phần cho NĐTCL với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt, 17 DN bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt, 9 DN không bán được cổ phần cho NĐTCL và 4 DN còn lại không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho NĐTCL.

Đại diện Ban Cải cách và Phát triển DN - CIEM cho hay, thực tế, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho NĐTCL chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt. Phần lớn tỷ lệ bán cho NĐTCL được phê duyệt thường nhỏ. Đây có thể là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các NĐTCL nói chung và các NĐTCL nước ngoài nói riêng. Chỉ có 6/46 số các phương án phê duyệt, chiếm 13% có tỷ lệ bán cho NĐTCL trên 50%. 5/6 DN đó đã bán được hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược. Kết quả này cung cấp một bằng chứng cho thấy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược cao thì sẽ thu hút các NĐTCL hơn.

Sản xuất phân bón tại Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Ảnh: Hoàng Hùng

Báo cáo cũng đưa ra 5 nguyên nhân khiến việc bán cổ phần của DNNN “ế” cổ đông chiến lược. Đó là do việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài; định giá DN và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin; quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.

Với NĐTCL nước ngoài, quy định về tỷ lệ sở hữu của khối này tại các DN CPH đã khiến các nhà đầu tư chùn chân. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu chi phối trên nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nghị định 60/2015 đưa ra các quy định khá thận trọng về giới hạn tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có khoảng 113 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhóm ngành tập trung nhiều DNNN sản xuất hàng hóa, dịch vụ vận tải, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp… Hầu hết ngành nghề này không có quy định cụ thể về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, theo điểm B Nghị định 60/2015, cổ đông chiến lược nước ngoài không thể sở hữu quá 49% công ty đại chúng thuộc tất cả 113 ngành nghề trên.

Nâng cao tính công khai, minh bạch

Báo cáo của CIEM đưa ra 5 giải pháp để thu hút cổ đông chiến lược. Đó là quy định tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn NĐTCL, bao gồm cả đối với NĐTCL quốc tế. Đổi mới cơ chế xác định giá trị DN và giá bán cổ phần cho NĐTCL. Nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH. Nâng cao vai trò của NĐTCL vào quản trị DN sau CPH. Tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN nhằm thu hút NĐTCL.

Đồng tình với các giải pháp này, TS Võ Trí Thành bổ sung, nhà đầu tư trong nước tiềm lực lớn để mua DNNN không nhiều. Trong khi với cổ đông nước ngoài, một số lĩnh vực chỉ mở cửa chừng mực. Ông Thành cho rằng, trong việc quy định giới hạn tỷ lệ cổ phần với NĐTCL nước ngoài cần đảm bảo sự công bằng giữa NĐTCL nước ngoài và trong nước. Đó là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu. Về định giá tài sản, thương hiệu, định giá đất, ông Thành cho rằng, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, đảm bảo tính độc lập, minh bạch trong quá trình định giá.

Một vấn đề nữa được các chuyên gia đặt ra là có nên đặt các quy định cứng đối với NĐTCL mua CP DNNN. “Cá nhân tôi cho rằng, không nên đặt ra các tiêu chí cứng. Điều này đang cản trở quá trình CPH DNNN cũng như tìm kiếm cổ đông chiến lược. Phải coi mỗi cuộc CPH DNNN là một vụ đầu tư, là may một cái áo cho DN và không cái áo của DN nào giống DN nào. Nhà nước chỉ nên xây dựng các trình tự, thủ tục, thay vì đặt ra các quy định quá cụ thể” - Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách.
Các quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được thiết kế với mục đích tạo hàng rào bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ trong nước. Tuy nhiên, lại gây ra những tác động tiêu cực tới việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ông Phan Đức Trung - Ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp (CIEM)
Chúng ta phải rõ ràng mục tiêu tìm cổ đông chiến lược khi CPH DNNN. Nếu tìm cổ đông chiến lược lâu dài, đồng hành cùng DN thì quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ ngành nghề kinh doanh, giữ thương hiệu từ 3 - 5 năm là cần thiết. Nếu xem xét kỹ mục tiêu thì chúng ta sẽ có những quy định rõ hơn, phù hợp với cơ chế thị trường hơn khi tìm cổ đông chiến lược cho DNNN.
TS Võ Trí Thành Chuyên gia kinh tế