PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị và TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.
Khơi dậy tiềm năng, phát huy vị thế của Thủ đô
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để đưa Luật vào cuộc sống. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 được coi là một đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.
“Điều 16 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Ngoài ra, sửa đổi Luật Thủ đô sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô, giúp Hà Nội tăng tốc phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy vị thế của Thủ đô trong vai trò là “đầu tàu” kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước.
Triển khai nhiều hoạt động góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)
Để xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thời gian qua, Bộ Tư pháp và UBND Thành phố Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, tổ chức các cuộc họp với đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ, các sở, ngành của Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để góp ý trực tiếp vào từng nội dung/quy định cụ thể của dự thảo Luật; tổ chức các hội thảo tham vấn các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các quy định, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công; hội thảo về phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị rất tích cực trong công tác truyền thông về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng nhiều hình thức khác nhau, để lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/01/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, truyền thông Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Chủ đề của Hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông thảo luận, đóng góp các ý kiến khoa học về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; từ đó giúp các cơ quan báo chí truyền thông thông tin sâu hơn về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Đề xuất giải pháp để có cơ chế, chính sách cụ thể trong trọng dụng nhân tài
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, xác định rõ các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; Đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thảo luận và đề xuất các giải pháp để có cơ chế chính sách cụ thể trong việc trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay; Các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cùng tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là nhóm lao động lõi của xã hội, đóng vai trò “đầu tàu” trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; là động lực chủ yếu tiếp cận và phát triển nền kinh tế tri thức…