Thu ngân sách bằng 17,6% dự toán, tăng trưởng tín dụng đạt 2,23%

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 185,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,9%; thu từ dầu thô đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2018 ước tính đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 183 nghìn tỷ đồng, bằng 19,5%; chi đầu tư phát triển đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4% dự toán năm; chi trả nợ lãi 24,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,1%.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Về chính sách tiền tệ theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng cân bằng trong quý đầu năm nay. Tính đến 20/3/2018, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).
Sau khi có mức sụt giảm 0,57% cùng kỳ năm 2014 và tăng thấp cùng kỳ 2015, từ 2016, 2017 và đến 2018, tăng trưởng tín dụng đã dương và tăng khá đều trong quý đầu năm.
Cập nhật diễn biến lãi suất trong quý 1/2018, cơ quan thống kê cho biết: Quý đầu tiên của năm nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.