15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:

Thu ngân sách Hà Nội đều hoàn thành và vượt dự toán giai đoạn 2008-2023

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao; tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2008-2022, đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu NSNN trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.

Thành phố thường xuyên tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giao đất cho các chủ đầu tư, thực hiện hạch toán tiền sử dụng đất các dự án đối ứng cho các dự án BT còn đang thực hiện, qua đó góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Đồng thời, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được quan tâm, chú trọng: khai thuế điện tử; hoàn thuế điện tử 100% trường hợp đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư.

Mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội tại các ngân hàng thương mại và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử như internet banking, thẻ ATM, thiết bị chấp nhận thẻ POS... tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần tập trung nhanh các khoản thu NSNN.

Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2008-2022 hơn 937,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm; trong đó: Chi đầu tư phát triển khoảng 426,85 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng chi ngân sách, tăng bình quân 11,65%/năm; Chi thường xuyên khoảng 498,25 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,16% tổng chi ngân sách, tăng bình quân 11,95%/năm.

Ngoài ra, dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. So với năm 2008, công nghệ ngân hàng hiện nay đã thay đổi cơ bản. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối các ngành, lĩnh vực để mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, 100% ngân hàng trên địa bàn đã triển khai dịch vụ internet banking, mobibanking, các loại ví điện tử, mở rộng tiện ích thẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hệ thống các TCTD tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại; triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách; minh bạch hơn thực chất nợ xấu của các TCTD; duy trì hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt; lưu thông tiền tệ và nguồn vốn huy động bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn huy động chiếm tỷ trọng khoảng 28% cả nước, tốc độ tăng nguồn vốn huy động bình quân đạt 17,93%/năm; dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng khoảng 27% cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,9%/năm. Cuối tháng 6/2023, vốn huy động của các TCTD đạt trên 5 triệu tỷ đồng, tăng 4,1% so với thời điểm 31/12/2022; dư nợ cho vay đạt 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm 31/12/2022; nợ xấu giảm còn 1,89% tổng dư nợ.

Về giải pháp, TP tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác nguồn thu còn dư địa, tiềm năng; tăng trọng các khoản thu mang tính bền vững; thực hiện rà soát lại thuế khoán, trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực và địa bàn các quận, thị trấn.

Thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước.