Thu phí và Thu giá

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Bộ GTVT lại một lần nữa làm dậy sóng dư luận với việc cho chuyển đổi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá.

Theo lý giải của Bộ GTVT, BOT là một sản phẩm của DN nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước. Thế nhưng đa số ý kiến dư luận lại cho rằng, cách giải thích này không chỉ làm người dân khó hiểu mà còn thêm phần phức tạp cho các dự án BOT vốn không ít điều tiếng lâu nay.
 
Từ ngày 1/1/2017 trở về trước, tất cả các dự án BOT giao thông đều dùng khái niệm “thu phí”. Thẩm quyền quyết định mức phí thuộc về Bộ Tài chính và mỗi dự án sẽ có một thông tư riêng về việc thu, mức phí cũng như lộ trình tăng phí. Nhưng khi khái niệm “thu phí BOT” được chuyển thành “thu giá BOT”, thẩm quyền quyết định được giao về Bộ GTVT.

Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GTVT, khi chuyển sang thu giá, mức thu sẽ do Bộ GTVT quy định và giám sát. Nhưng không ít người dân tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của việc giám sát này. Sự nghi ngờ đó cũng là dễ hiểu nếu nhìn lại cả một quá trình nhiều năm qua, đi kèm với những dự án BOT luôn là những cụm từ khóa nóng bỏng như: Phản đối; không đồng thuận; vi phạm; dở dang hay thiếu minh bạch… Mặt khác, chuyển từ thu phí sang thu giá cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ được trao thêm quyền điều chỉnh mức thu mà không phải thông qua hội đồng Nhân dân các địa phương... DN hoàn toàn có thể vin vào cái cớ “điều tiết theo thị trường” để tăng giá bất cứ lúc nào. Nay DN có thể đưa ra lý do lương nhân công tăng, lãi suất ngân hàng biến động; mai họ thể viện cớ giá điện, nước thay đổi không chừng. Như vậy khác gì đem quyền lợi Nhân dân đặt lên đầu gậy của nhà đầu tư. Các hợp đồng BOT chẳng còn giá trị ràng buộc chặt chẽ quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên nữa.

Các chuyên gia còn cho rằng, khi không được kiểm soát bởi một cơ quan chuyên trách, có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và chiều sâu quản lý như Bộ Tài chính, giá có thể sẽ bị thao túng một cách mạnh mẽ. Mặt khác, từ “giá” được vận dụng trong trường hợp này đang làm cho nhiều người dân cảm thấy “u u minh minh”, chẳng biết nên hiểu thế nào cho đúng. Liệu đây có phải trò chơi “khăm” bằng câu chữ(?).

Các dự án BOT giao thông thực chất là Nhà nước huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hạ tầng, nhằm phục vụ sự phát triển, giao thương kinh tế - xã hội cho Quốc gia, trên hết là vì lợi ích người dân. Chính các nhà đầu tư cũng là những “người dân” được hưởng lợi từ chính sách đó. Việc cho chuyển đổi từ thu phí thành thu giá khiến dư luận lo ngại hơn cho tính minh bạch của các dự án BOT giao thông hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần