Thu thuế Youtuber Việt: Khó càng thêm khó

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/6 những nhà sáng tạo nội dung YouTube ở bên ngoài nước Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu mức áp thuế lên tới 30% cho các khoản doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Ngành thuế trong nước vốn đã thất thu từ các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) nay lại đối mặt với thách thức mới.

Áp thuế 30% doanh thu từ người xem tại Mỹ

Với hơn 2 tỷ người dùng thường xuyên, YouTube hiện đang là mạng xã hội lớn số 2 trên thế giới, chỉ sau Facebook. Với số lượng người dùng "khủng" đến như vậy đã giúp YouTube trở thành kênh thu hút, quảng bá sản phẩm cực kỳ hiệu quả. Không chỉ vậy, có rất nhiều người trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng đang kiếm sống dựa trên những nội dung mình đăng tải lên mạng xã hội này.

Tuy nhiên, mới đây Google, cơ quan chủ quản của YouTube ra thông báo sẽ khấu trừ và đánh thuế thu nhập những YouTuber không sống tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các YouTuber tại Việt Nam và các quốc gia khác bên ngoài Mỹ sẽ phải đóng thuế cho thu nhập của mình kiếm được từ YouTube. Chính sách mới của YouTube sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6 tới đây và Google kêu gọi các YouTuber cung cấp thông tin thuế với Google để đảm bảo mức đóng thuế phù hợp.
 Số lượng người Việt Nam sử dụng YouTube ngày càng tăng. Ảnh: Hoàng Giang
Cụ thể, mức đánh thuế từ thu nhập của các YouTuber sẽ dựa vào nhiều yếu tố. Đối với những YouTuber sống bên ngoài nước Mỹ, nếu khai báo thông tin thuế trước ngày 31/5/2021, họ sẽ phải chịu mức thuế 30% cho các doanh thu đến từ người xem tại Mỹ. Trong khi đó, từ ngày 1/6/2021 nếu YouTuber không nộp khai báo thuế sẽ bị áp mức thuế chung là 24% đối với doanh thu đến từ người xem ở mọi quốc gia.

Giải thích từ phía Google cho biết, theo luật thuế của Mỹ, hãng bắt buộc phải khấu trừ thuế khi người sáng tạo không ở Mỹ phát sinh thu nhập từ người xem tại đất nước này. Từ đó có thể thấy chính sách mới này không ảnh hưởng đến những nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ nhưng sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là với những kênh Youtube có lượng người xem lớn đến từ Mỹ.

Ngay sau khi Google công bố chính sách mới về thuế, đã có một làn sóng phản đối của nhiều nhà sáng tạo nội dung trên toàn thế giới khi chỉ trích con số 30% là quá cao. Sự thay đổi này cũng được cho là sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều nhà sáng tạo nội dung quy mô nhỏ, những người không có hàng triệu lượt người đăng ký theo dõi kênh của mình.

Theo chia sẻ của anh L.Q người quản lý kênh YouTube sản xuất nội dung giáo dục, anh đã nhận được thông tin hướng dẫn kê khai thuế trên tài khoản Google AdSense từ phía MCN (Multi-Channel Network - các công ty mạng lưới đa kênh, đối tác đại lý của Google). Đây là tin không mấy vui vẻ đối với các nhà sáng tạo nội dung Youtube tại Việt Nam, anh Q nói.

Về chính sách mới của YouTube, anh Q. đánh giá: Việc áp dụng mức thuế 30% hoặc 24% là quá cao, điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến mức thu nhập chung của các nhà sáng tạo cũng như số kinh phí bỏ ra để tái đầu tư vào nội dung. Do đó, chính sách thuế mới sẽ tạo ra sức ép lớn với các YouTuber Việt phải thay đổi nội dung đến đối tượng người xem tại các quốc gia khác ngoài Mỹ, hoặc tập trung phát triển kênh tập trung vào đối tượng người dùng Việt”.

Thanh Phùng - chủ kênh YouTube có tiếng cho biết: Đây thực sự là nghiêm trọng, bởi số tiền kiếm ra được từ lượng người xem ở Mỹ đang ở mức hàng đầu thế giới khi đạt tới 4,77 USD/1.000 lượt xem, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 0,38 USD. YouTube đã có dấu hiệu bão hòa và việc kiếm tiền trên YouTube không còn “ngon ăn” như người ta vẫn nghĩ. Các khoản thuế, khấu trừ nhiều và cao sẽ khiến người sản xuất nội dung ngày càng khó khăn hơn.

Và nguy cơ thất thu

Theo thống kê từ Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2020 tại Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube đã được bật chức năng kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số kênh, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty nằm trong mạng lưới của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Mặc dù theo Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2020 đã quy định rõ các cá nhân hoạt động dạng này sẽ phải đóng thuế 7% mức doanh thu nếu kiếm được trên 100 triệu đồng/năm.

Và trên thực tế, số tiền thuế thu được từ lĩnh vực này cũng cực kỳ khiêm tốn, bởi số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2020, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế hơn 1.143 tỷ đồng. Đây là còn số cực kỳ nhỏ bé nếu biết quy mô của thị trường quảng cáo Việt Nam đang được ước tính ở mức hơn 800 triệu USD mỗi năm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Đoàn, mức thuế mà Google sẽ khấu trừ đối với các YouTuber ngoài nước Mỹ được coi là thuế nhà thầu. Hiện, pháp luật về thuế tại Việt Nam cũng đã áp dụng thuế nhà thầu với các dịch vụ xuyên biên giới phát sinh thu nhập tại Việt Nam, đơn cử như dịch vụ quảng cáo trên Google (trong đó có YouTube), nhưng mức phổ biến chỉ 10%.

Do đó, đối với các trường hợp YouTuber lâu nay đã thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, từ ngày 1/6 tới có thể gặp tình trạng thuế chồng thuế. Cụ thể, các YouTuber này vừa bị Google khấu trừ tiền thuế theo 2 mức trên ngay từ nguồn chi trả đối với doanh thu quảng cáo được chia sẻ, và vừa phải tiếp tục đóng thuế thu nhập tại Việt Nam sau đó. Đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến việc thu thuế từ người sản xuất nội dung Youtube tại Việt Nam thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

Còn theo TS Phan Phương Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn mới có thể truy thu thuế đầy đủ từ phía người làm nội dung trong nước. Được biết, hiện, YouTuber nhận được tiền thông qua hai hình thức là nhận trực tiếp từ YouTube hoặc nhận thông qua Network. Do đó, cách thức quản lý thuế đối với các YouTuber trong hai cách trên có sự khác nhau.

Với trường hợp YouTuber nhận tiền thông qua Network việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, bởi nếu Network không thực hiện nghĩa vụ của mình thì họ phải chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý thuế. Còn với trường hợp YouTuber nhận tiền trực tiếp từ YouTube, trường hợp này khá rắc rối nếu cá nhân không tự nguyện nộp thuế.

Trên thực tế, hiện Mỹ và Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tuy nhiên các thông tin về người có nghĩa vụ nộp thuế lại được các bên trao đổi chưa thực sự hiệu quả. "Nếu khâu này được thực hiện tốt, việc truy thu thuế với YouTuber tại Việt Nam sẽ dễ dàng hơn rất nhiều"- TS Phan Phương Nam đưa ra giải pháp.

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong năm 2021 là chặn đường trốn thuế, né thuế của các hoạt động kinh doanh công nghệ, kinh doanh online từ các cá nhân, DN có nguồn thu từ Facebook, Google…

Nếu cá nhân không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của từng cá nhân, DN qua các mạng xã hội trên. Ngoài ra, các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự."- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh


"Việc thu thuế với những cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube gặp khó khăn không phải do luật mà nằm ở năng lực, trình độ và công nghệ. Trong đó ngân hàng là mấu chốt của các giao dịch và được hưởng lợi rất lớn khi là kênh trung gian chuyển tiền, do đó cần phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu quản lý." - Luật sư Trương Thanh Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần