Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Tiếp tục theo dõi doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết.

“Bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm”

Tại họp báo Chính phủ tháng 2 vào chiều 3/3, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận được câu hỏi về vụ doanh nghiệp USC Interco có địa chỉ tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đăng ký số vốn điều lệ khổng lồ, lên tới 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
“Rà soát quy định thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đăng ký kinh doanh với số vốn có thể rất cao nhưng khi không góp đủ vốn thì chỉ bị phạt số tiền rất “nhẹ”. Đây là lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới. Xin hỏi Bộ KH&ĐT có nhìn thấy vấn đề này không? Có kế hoạch sửa lại quy định về việc đăng ký kinh doanh không?”, PV nêu câu hỏi.
  Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, về hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này theo pháp luật “hoàn toàn đúng”. Trên cơ sở xét duyệt hồ sơ, ông nói, cơ quan quản lý không có lý gì không cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng đánh giá các cán bộ đăng ký kinh doanh của TP. Hà Nội và của Bộ KH&ĐT rất trách nhiệm trong sự việc này. Cụ thể, khi thấy rằng số vốn có quy mô bất thường, cán bộ tôn trọng quyền đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị đăng ký kinh doanh đã ghi nhận và thông báo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục các thủ tục sau này, đặc biệt là việc thông báo tới người đăng ký kinh doanh trong 90 ngày phải nộp đủ số tiền cam kết.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi cho đến khi nhận được thông tin về việc người đăng ký doanh nghiệp sẽ sửa đổi hồ sơ hay xin đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận theo đúng quy định pháp luật”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng cũng bày tỏ, nền kinh tế nước ta đang cơ cấu lại với tầm nhìn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt rất cần doanh nghiệp lớn. Do vậy những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn, các cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương và của Bộ KH&ĐT sẽ phải quen dần với những con số lớn này.
Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm chắc chắn Bộ KH&ĐT sẽ phải hậu kiểm việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa, tránh trường hợp các doanh nghiệp đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Bộ KH & ĐT, đây là bài học cho việc quản lý đăng ký kinh doanh theo hướng hậu kiểm. Thời gian tới, Bộ tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh; tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh, đặc biệt, liên quan đến phần đơn vị tiền tệ trong hồ sơ, khi dùng các khái niệm khác nhau (đồng, nghìn đồng, triệu đồng, tỷ đồng) phải thống nhất lại để chuẩn hoá trong quá trình đăng ký kinh doanh...

Doanh nghiệp sẽ bị phạt nếu không góp đủ vốn

Trước đó, ngày 28/2, ông Trần Hà Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) thông tin đến báo chí về trường hợp bất thường này.
Theo đó, ngày 13/1/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp gửi qua mạng điện tử trên Hệ thống Đăng ký kinh doanh quốc gia.
Công ty có địa chỉ tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành góp đủ vốn điều lệ là 6/4/2020. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ - ông Lê Đình Thuyên - nhận thấy vốn điều lệ có dấu hiệu bất thường của doanh nghiệp này nên đã chủ động gọi điện trực tiếp cho ông Trần Gia Phong - người đại diện theo pháp luật để xác định việc kê khai vốn điều lệ vào ngày 16/01/2020. Tại thời điểm đó, ông Trần Gia Phong khẳng định mình kê khai đúng và cam kết góp đủ.
Tiếp đó, đến ngày 26/2/2020, sau khi sự việc doanh nghiệp thành lập mới đăng ký với số vốn lớn được dư luận quan tâm, đặc biệt là nhiều cơ quan báo chí phản ánh, cán bộ thụ lý hồ sơ tiếp tục gọi cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và ông Trần Gia Phong vẫn khẳng định mình kê khai đúng và cam kết góp đủ vốn.
Trao đổi về việc có những thông tin cho rằng một trong ba cổ đông đăng ký thành lập công ty cho biết người đi đăng ký say rượu nên viết nhầm số và ngày 27/2, ba người này đã đi hủy hồ sơ thành lập doanh nghiệp, ông Trần Hà Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký kinh doanh cho rằng đây chỉ là thông tin trên các trang tin, mạng xã hội. Phòng Đăng ký kinh doanh chưa nhận được thông tin văn bản chính thức về việc này.
Đồng thời, ông Trần Hà Thanh cho biết trong hồ sơ, các cổ đông sáng lập đều cam kết là thời gian góp đủ vốn điều lệ là vào ngày 6/4/2020. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ngay sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh đã đưa công ty này vào diện giám sát. Đến ngày 6/4/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện việc kiểm tra việc góp vốn của doanh nghiệp.
"Trong trường hợp, các cổ đông sáng lập không góp đủ vốn theo như đã cam kết, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ chuyển sang cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tiến hành việc xử phạt doanh nghiệp về hành vi kê khai không chính xác và buộc doanh nghiệp này phải kê khai lại vốn điều lệ theo đúng số vốn thực góp của các cổ đông sáng lập," ông Trần Hà Thanh nhấn mạnh.