Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Cán bộ tư pháp gương mẫu sẽ ngăn chặn bớt vi phạm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cán bộ tư pháp gương mẫu, làm tốt, tham mưu tốt sẽ ngăn chặn bớt các vi phạm.

Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Chú trọng chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ và toàn ngành tư pháp nói chung tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra. Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Trong đó, xây dựng luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Bộ đã tiếp nhận 626 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; 40 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các phản ánh, kiến nghị đều được nghiên cứu trả lời, tiếp thu trong quá trình xây dựng thể chế.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xử lý thủ tục hành chính . Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ năm 2016 đển nay. Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 108/ 139 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đang tiếp tục thực hiện 31 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn...

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Bộ Tư pháp phải làm tốt vai trò “gác cổng” về thể chế

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành tư pháp đạt được trong năm qua. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, ngành tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện sớm các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp phải làm tốt vai trò “gác cổng” về thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, kiểm soát chặt việc quy định thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo, góp phần bảo đảm tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp của thủ tục hành chính tốt và các các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của cán bộ tư pháp, Thủ tướng cho rằng, hệ thống ngành tư pháp, với đội ngũ đông, hơn 45.000 người, “gương mẫu, tận tụy trong công việc, thực thi pháp luật, thực thi công vụ”, thì đất nước có sự chuyển biến đáng mừng. “Anh ra một quyết định có vi hiến không, có chồng chéo pháp luật không, lúc đó, cán bộ tư pháp xem kỹ, soi chặt”. Cán bộ tư pháp gương mẫu, làm tốt, tham mưu tốt sẽ ngăn chặn bớt các vi phạm.

Quang cảnh hội nghị 

Thủ tướng cũng quán triệt quan điểm là cái gì Nhà nước không làm, không cần thiết làm, không phải nhất thiết làm thì nên hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, xã hội làm.

Cùng đó, phải tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, chú ý đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định chỉ đạo, điều hành.