Thủ tướng Đức sắp thăm Việt Nam

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ sáu ở châu Á.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 14/11/2022.

Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và đứng thứ sáu ở châu Á. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU, trong đó có Đức.

Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz. 
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz. 

Hai nước đang tích cực hoàn tất bản Kế hoạch Hành động thực hiện Đối tác chiến lược cho giai đoạn 2023-2024; Đức ủng hộ lựa chọn Việt Nam là một đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Nền kinh tế hai nước có tính bổ trợ rất cao và những thách thức lại mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Các lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác như giáo dục, đào tạo nghề, cung cấp lao động lành nghề, năng lượng tái tạo, y dược, chế biến nông sản, công nghiệp chế tạo...

Trong đại dịch Covid-19, tình hữu nghị chân thành và quý giá giữa hai dân tộc, hợp tác giữa Việt Nam và Đức tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đầu tư-kinh doanh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng...

Cùng với thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Đức dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, Đức đã dành nguồn vốn ODA trị giá hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa – du lịch, khoa học – công nghệ, tư pháp cũng được hai bên tăng cường đẩy mạnh trong nhiều năm qua. 

Với Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền, hai bên có cơ hội trao đổi nhiều hơn các lĩnh vực tư pháp, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, tư pháp của Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa như liên hoan phim, hòa nhạc, triển lãm sách, tranh, ảnh, ẩm thực, giao hữu thể thao… được nhân dân hai nước chào đón nhiệt tình.

Về du lịch, hai nước đều là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch của nhau. Trước đại dịch Covid-19, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 100.000 nghìn khách du lịch Đức, nhiều công ty lữ hành lớn của Đức đều có đại diện tại Việt Nam. Đây là một trong những mảng hợp tác tiềm năng mà hai bên có thể khai thác nhiều hơn nữa sau khi đại dịch qua đi.

Quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng được thắt chặt thông qua những nhịp cầu nối rất đặc biệt, đó là cộng đồng người nói tiếng Đức ở Việt Nam và cộng đồng với khoảng gần 200.000 người Việt Nam ở Đức.