Thủ tướng: Dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống bão số 16

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành và 19 địa phương dự báo có bão số 16 đi qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tất cả các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo chống bão.

Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16 - cơn bão có tên quốc tế Tembin đã khiến gần 200 người tại Philippines thiệt mạng. Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 19 tỉnh, TP khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng của bão.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16.

Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường cho biết: Dự kiến chiều 25/12, bão số 16 (Tembin) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Côn Đảo. Từ tối 25/12, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Theo ông Cường, đây là cơn bão mạnh “chưa từng có” ảnh hưởng tới Tây Nam Bộ.
Rốt ráo ứng phó
Trước diễn biến của bão, các bộ ngành, địa phương đang rốt ráo chuẩn bị công tác ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ  17.000 hộ nghèo để mua trang thiết bị ứng phó với bão. Tính đến chiều qua, Cà Mau đã di dời toàn bộ người già, trẻ em, tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Từ sáng mai, học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ học.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, chỉ cần bão mạnh cấp 9 - 10, khả năng nhà cửa sẽ không thể chống chịu được, tỉnh xác định di dân là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đến chiều tối qua, Bạc Liêu đã tập trung di dời toàn bộ người già, trẻ em. Dự kiến, 10 giờ sáng mai sẽ hoàn thành di dời tổng số 7.000 hộ dân.
Cùng với Cà Mau và Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng đã tập trung di dời dân đến nơi an toàn. Thống kê đến chiều tối 24/12, 4 địa phương nêu trên đã tổ chức di dời được tổng số 13.564 người dân.
Song song với di dời người dân, công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền cũng được tập trung triển khai. Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin, trong 2 ngày qua, đã phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 69.120 phương tiện/343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh. 114 tàu thuyền/811 người đang trú tránh tại Thái Lan và Malaysia.
Dù phần lớn tàu thuyền đã vào đến vị trí an toàn, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn cảnh báo: Nguy cơ tàu chìm do neo đậu thiếu an toàn giống như bão số 12 là rất lớn. Do đó, các địa phương cần hết sức chú ý. Về lực lượng, ông Nghĩa cho biết, 30.000 quân, 50.000 dân quân tự vệ, cùng hàng trăm phương tiện đã được huy động, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Đường đi và vị trí bão số 16.
Không được phép chủ quan
Nhận định bão số 16 là cơn bão mạnh, trái với quy luật, lại đổ bộ vào vùng ít xảy ra bão, thiết chế hạ tầng còn hạn chế, người dân ít kinh nghiệm ứng phó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng nếu không tập trung ứng phó chủ động, quyết liệt thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Nhiệm vụ số 1 là cần triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra. Rút kinh nghiệm bão số 12, các địa phương cần thông tin kịp thời diễn biến của bão để kêu gọi hỗ trợ kịp thời. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong sáng nay, các địa phương tuyệt đối không để tàu thuyền còn hoạt động trên biển. Cùng với đó, cần đặc biệt lưu ý việc neo đậu của tàu thuyền, bảo đảm an toàn, tránh sự cố chìm tàu như xảy ra tại Cảng Quy Nhơn trong bão số 12.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bài học từ bão Linda xảy ra cách đây tròn 20 năm vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, các bộ ngành, địa phương không được phép chủ quan. Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục nhắn tin tới người dân đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó chủ động nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.  Thủ tướng yêu cầu Bộ đội Biên phòng các tỉnh khẩn trương tìm mọi cách thức liên lạc để kêu gọi, hướng dẫn trên 8.600 tàu thuyền còn hoạt động vào bờ an toàn trong sáng nay. Các địa phương khẩn trương huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa. Sơ tán triệt để người dân, cần thiết phải cưỡng chế. Hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Trong chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cử 2 đoàn công tác vào thị sát, chỉ đạo trực tiếp vùng ảnh hưởng của bão. Yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 16. Đối với Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, xem xét cho học sinh nghỉ học. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ứng phó với bão là trách nhiệm hết sức nặng nề, nhưng không thể chủ quan của toàn hệ thống chính trị. Nếu bão không xảy ra thì cũng sẽ là đợt diễn tập cần thiết trước nguy cơ thiên tai diễn biến khôn lường hiện nay.