Thủ tướng mong Gia Lai tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp

Đô Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/12, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng Gia Lai là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển của vùng Tây Nguyên. Với tiềm năng này, cùng với khát vọng vươn lên thì tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ.
Biểu dương thành tích mà Gia Lai đạt được thời gian qua, Thủ tướng nhìn nhận, tỉnh đã quan tâm xây dựng nông thôn mới nhưng không huy động quá sức dân, không để nợ đọng. Gia Lai đã hình thành một số vùng cây công nghiệp quy mô lớn; đã thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.
 Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai
Liên quan đến đợt mưa lũ vừa qua, Thủ tướng ghi nhận lãnh đạo tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ người dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, bất cập như quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Công nghiệp chế biến chưa xứng tầm, chưa có sản phẩm có thương hiệu. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng 17%, cao gấp đôi mức bình quân cả nước. Tỉnh có quá ít doanh nghiệp. Với 1,4 triệu dân, Gia Lai mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp. Thủ tướng mong muốn, tỉnh phải phấn đấu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp đến năm 2020.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tỉnh phải có quyết tâm lớn, biện pháp cụ thể, khát vọng mạnh mẽ thì mới có thể phát triển được. Còn nếu không có tinh thần đó thì khó khắc phục được tình trạng của tỉnh”. Trong đó tỉnh phải tập trung vào các nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện chính sách dân tộc tốt hơn, chủ động thực hiện ngay kế hoạch và mục tiêu 2017, tiếp tục hình thành vùng cây công nghiệp chế biến sạch, đẩy mạnh trồng rừng, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, xây dựng một số thương hiệu lớn.

Gia Lai cũng cần chủ động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ đầu năm. Cùng với đó là có kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết số 35, 19 và 60 của Chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; thu hút các dự án, nhất là các dự án đầu tư công nghệ cao, cây công nghiệp ngắn ngày…
 Thủ tướng tặng quà cho đồng bào Làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku
Đồng thời, tỉnh cần chú trọng phát triển du lịch, có giải pháp thu hút khách du lịch bằng các giải pháp xúc tiến du lịch; tiếp tục quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đối ngoại; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là với địa phương đông đồng bào dân tộc như Gia Lai.

Tỉnh cũng phải có quy chế điều tiết các hồ chứa, không để xảy ra sự cố vỡ đập.

Cùng ngày, Thủ tướng đến Làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, thăm hỏi đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở đây (đa số thuộc dân tộc Jrai). Nói chuyện với các già làng, đồng bào Làng Ốp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi biết cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện; mong muốn bà con trong làng tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng lưu ý chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm hỗ trợ bà con trong sản xuất và đời sống, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới; không để xảy ra tình trạng bà con bị đói, đứt bữa.

Cũng trong ngày 17/12, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình cách mạng.

Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua. Tỉnh đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến nay, Gia Lai không có thiệt hại về người. Lãnh đạo tỉnh cũng cho biết, trong đợt mưa lũ này, Thủy điện An Khê Kanak xả lũ theo quy trình và có báo trước cho địa phương nên chủ động, kịp thời hướng dẫn người dân phòng tránh.

Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, Gia Lai thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ và chăm sóc, trồng rừng. Năm 2016, đã trồng rừng đạt 1.557 ha (vượt 55,7% kế hoạch). Diện tích che phủ rừng đạt hơn 46%.

Về tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,48%, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (7,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm. Mặc dù bị hạn hán nặng vào đầu năm, sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển ổn định. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 16.600 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần