Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Một nạn đói còn tai hại hơn đại dịch Covid-19

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng, tổ chức chiều 12/12.

Thủ tướng Chinh phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu nông dân tại Hội nghị đối thoại tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: Báo Nông thôn Ngày nay.
Luồng sinh khí mới cho các cấp hội nông dân
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nông dân Việt Nam có vị thế rất lớn, là nền tảng quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội. “Một nạn đói lớn xảy ra còn tai hại hơn dịch Covid-19” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp. 
Thủ tướng đánh giá, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 61 và Quyết định số 673 trong thời gian qua đã giúp nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. “Thời gian qua, dù có những khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ vẫn hỗ trợ nguồn vốn rất lớn cho các Quỹ hỗ trợ nông dân phát triển. Điều nay thể hiện sự quan tâm, cũng là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sự phát triển các cấp hội và người nông dân” - Thủ tướng nói. 
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, Đề án số 61 và Quyết định số 673 đã tạo luồng sinh khí mới cho các cấp hội nông dân. Trong nhiều năm, Hội nông dân các cấp đã liên tục có sự đổi mới, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền ổn định, vững mạnh. 
Các cấp hội cũng đã làm tốt vai trò tập hợp và hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, nền nông nghiệp đang chuyển dần sang hướng nâng cao giá trị và an toàn thực phẩm. Không còn tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”. Nhưng quan trọng hơn là trình độ nông dân đã có những tiến bộ lớn, nhất là tỏng hình thức sản xuất.
Thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án số 61 và Quyết định số 673 thời gian qua, vai trò, vị thế của người nông dân không ngừng được nâng lên. Các cấp hội và người nông dân đã và đang đóng góp ngày một lớn hơn vào những thành tựu của Việt Nam nói chung.
Để nông dân tiếp tục là chỗ dựa của Đảng, Nhà nước
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị chiều 12/12. Ảnh: TTXVN.
Qua theo dõi, Thủ tướng nhận thấy một số cấp, ban ngành chưa tạo điều kiện để cấp hội nông dân thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp hội nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong chỉ đạo còn bất cập, nhất là 1 số nơi chưa bổ sung quỹ hỗ trợ cho nông dân. Một số cấp Hội Nông dân cũng chưa chủ động tham mưu đề xuất cấp uỷ, chính quyền những nội dung thiết thực cần hỗ trợ. Đội ngũ cán bộ còn yếu, thiếu dẫn tới việc đề xuất, phản biện chính sách còn hạn chế. 
Dù có nhiều mô hình hỗ trợ nông dân tốt được triển khai trong những năm qua, nhưng có một số mô hình trung tâm đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân chưa phát huy hết vai trò. Nghề đào tạo chưa thiết thực, nhiều bất cập. Hiệu quả đào tạo nghề chưa cao…
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có trên tinh thần thực chất, hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xoá đói, giảm nghèo ở nông thôn, miền núi. “Điều gì có lợi cho nông dân thì làm, không thiết thực thì đừng tính đến” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc tiếp tục xây dựng lớp nông dân mới, nắm bắt được khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, cách làm. Không để tình trạng “con trâu đi trước cái cày theo sau” mãi kéo dài. Phấn đấu để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế - xã hội có nhiều biến động hiện nay.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, vấn đề tam nông đang tiếp tục đặt ra nhiệm vụ mới, yêu cầu mới với nhiều khó khăn hơn. “Nông thôn mới không chỉ là hạ tầng, mà cốt lõi là đời sống người dân. Do đó cơ cấu lại kinh tế nông thôn là quan trọng” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. 
Hội Nông dân các cấp cần có chương trình để tham mưu các cấp uỷ, chính quyền. Phát huy tốt hơn nữa vai trò trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, phát huy vai trò vị thế của người nông dân. Tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn lực, nhất là các trung tâm đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân. Vận động các thành phần kinh tế tham gia đóng góp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có cơ chế, chính sách khuyến khích DN về nông thôn đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chuỗi giá trị hàng hoá, nông sản…
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo Đề án số 61, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành quan tâm, nghiên cứu đề xuất Chính phủ có giải pháp cụ thể, kịp thời hỗ trợ các cấp hội và người nông dân. Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ để người nông dân Việt Nam trong thời đại mới tiếp tục là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội.