Thực cảnh - những vở diễn triệu đô: Vừa đến đã gây ồn ào

Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Thuở ấy xứ Đoài”, rồi "Ký ức Hội An” là những vở diễn thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù mỗi suất diễn đang đón hàng trăm đến gần nghìn khán giả, nhưng hậu trường của các vở diễn này lại đang gây ồn ào bởi chính các nghệ sĩ.

Một cảnh trong vở diễn ''Tinh hoa Bắc Bộ''. Ảnh: Hoàng Vũ
Nghệ sĩ lôi nhau ra tòa
“Thuở ấy xứ Đoài” hay “Tinh hoa Bắc Bộ” đều đang được coi là vở diễn đáng xem khiến một vùng ngoại ô Hà Nội (Sài Sơn, Quốc Oai) trở thành điểm du lịch hấp dẫn. “Thuở ấy xứ Đoài” lấy bối cảnh thiên nhiên làm sân khấu, diễn viên là những người nông dân xứ Đoài, nhưng lại diễn rất “có hồn”, tạo nên cảm xúc cho người xem.
Trong vở diễn, khung cảnh làng quê Bắc Bộ được tái tạo nguyên gốc, 140 nông dân biểu diễn trên mặt nước, nhà thủy đình 10 tấn nhô lên từ mặt hồ, kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại... Nhưng “Thuở ấy xứ Đoài” chỉ được giới truyền thông biết đến qua lần công bố ra mắt của đạo diễn Việt Tú hồi tháng 6/2017. Khoảng 4 tháng sau, phía Công ty Tuần Châu đã chính thức ra mắt “Tinh hoa Bắc Bộ” của đạo diễn Hoàng Nhật Nam tại chính điểm diễn này, cũng là lúc những cuộc kiện tụng giữa Việt Tú và Công ty Tuần Châu, giữa Hoàng Nhật Nam và Việt Tú liên tiếp diễn ra bằng những đơn kiện tại tòa.

Cuối tháng 4/2018, Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) thông báo chính thức thụ lý đơn kiện của ông Hoàng Nhật Nam, đạo diễn vở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Nhưng thực tế, những rắc rối trong vụ việc được mở ra từ gần một năm trước. Đại diện cho đạo diễn Việt Tú là Công ty DS đã kiện Tuần Châu vì xâm phạm bản quyền. Việt Tú cho rằng: “Tinh hoa Bắc Bộ” có 90% ý tưởng của “Thuở ấy xứ Đoài”.
Trong tất cả các tầng nấc của lùm xùm kiện tụng, Hoàng Nhật Nam chọn cách im lặng, chỉ đưa ra giấy chứng nhận sở hữu bản quyền tác giả của Cục Bản quyền cho “Tinh hoa Bắc Bộ” vào tháng 7/2017 (nghĩa là ngay sau thời điểm công bố “Thuở ấy xứ Đoài” với truyền thông của đạo diễn Việt Tú). Nhưng rồi, sau thời gian im lặng Hoàng Nhật Nam lại khởi kiện Việt Tú vì cho rằng mình bị bôi nhọ danh dự. Ai đúng, ai sai rồi sẽ “hạ hồi phân giải”. Hai đạo diễn tâm huyết với nghề, với tác phẩm của mình và đều là những tên tuổi tài năng, nên lùm xùm đang gây chú ý. Và dù thế nào thì đây chắc chắn là vụ kiện bản quyền để lại nhiều bài học giá trị.

Tiệc lớn vẫn cần văn hóa

“Tinh hoa Bắc Bộ” hay “Thuở ấy xứ Đoài” được coi là "cái dớp" khiến vở thực cảnh thứ 2 ra mắt tại Việt Nam mang tên “Ký ức Hội An” vướng lùm xùm khiến nhà tổ chức tưởng phải dừng vở diễn. Một câu chuyện không ra chất Hội An, lai căng Trung Quốc… được những người am hiểu về Hội An mang ra mổ xẻ. Rất may phía đơn vị tổ chức đã kịp thời có những điều chỉnh, từ nội dung cho đến trang phục để cho ra được tinh thần của mảnh đất giao thương tơ lụa và giàu di sản này.

Bỏ qua những lùm xùm, các vở diễn vẫn được đưa vào khai thác với giá vé 600.000 - 800.000 đồng/người/suất diễn. Thậm chí “Ký ức Hội An” vào dịp cuối tuần, vé vip được bán với giá 1,2 triệu đồng/người/suất diễn, nhưng sân khấu với sức chứa hơn 1.500 khán giả thường được lấp đầy quá nửa. Thế mới thấy, vở diễn theo phong cách thực cảnh vẫn còn mới mẻ và có sức hút với khán giả Việt Nam cũng như du khách nước ngoài.

“Tuy nhiên, người xem cần những người làm kinh doanh văn hóa không chỉ bỏ ra số tiền triệu đô đầu tư vở diễn, mà còn cần cách hành xử văn hóa cho những bữa tiệc nghệ thuật lớn như thế này” - đạo diễn Việt Tú bày tỏ. Đầu tiên là chất văn hóa Việt trong mỗi vở diễn, cho đến sự thấu hiểu rõ ràng trong các hợp đồng làm việc để khi ra mắt vở diễn không làm ảnh hưởng đến tâm lý người xem. Việt Nam đang học hỏi thế giới kinh doanh du lịch không chỉ bằng di sản mà bằng cách sản phẩm văn hóa nghệ thuật, điểm nhấn là các vở diễn thực cảnh thì càng cần tạo dấu ấn “made in Vietnam”.