Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu NSNN 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn.

Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế: Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả; những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Ảnh: VGP

Nhấn mạnh thời gian còn lại của năm chỉ còn vài tháng, Bộ trưởng đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp.

"Cần bám sát tình hình, tiếp tục thực hiện linh hoạt, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp, chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, tận dụng cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận đánh giá tình hình, nêu rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; giải pháp trọng tâm, đột phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Trong số đó, các đại biểu tập trung nhiều vấn đề như cải cách tiền lương; giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó là việc giải quyết các vướng mắc cụ thể, thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm; giải pháp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết luận Phiên họp, cơ bản nhất trí với các ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nội dung trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và thời gian còn lại của năm.

Thủ tướng yêu cầu triển khai tích cực, hiệu quả các Kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023; lựa chọn nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết, liên quan đến lĩnh vực của bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất, đăng ký đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024.

Đồng thời theo sát tình hình, chủ động chuẩn bị kỹ các nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi để sẵn sàng báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, giải trình, trả lời chất vấn Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo cấp có thẩm quyền vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải  
Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải  

Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Các bên liên quan thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và nhiều chính sách khác. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi; bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là dịp cuối năm.

Để thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước. Đồng thời có các giải pháp đột phá, tạo thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, trong đó đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen.

Mặt khác, các cơ quan cần quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sẵn sàng thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.

Cùng với đó là thúc đẩy xuất khẩu. Thủ tướng chỉ đạo giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại các thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam-UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...

Đối với tiêu dùng, Thủ tướng đề nghị khai thác hiệu quả thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm vi phạm.