Thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 3/6, tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Nhiều quy định được bổ sung để quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm xây dựng Luật này là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Đề cập phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự án. Những nội dung chủ yếu gồm: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan.

Trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, về giới hạn tổng độ rộng băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn, doanh nghiệp nào càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì doanh nghiệp đó sẽ càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần phân bổ cho từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và dẫn tới độc quyền doanh nghiệp. "Vì vậy, Ủy ban tán thành việc cần phải quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số vô tuyến điện. Quy định này cũng được nhiều nước áp dụng"- Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nhấn mạnh. 

Về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết, Ủy ban tán thành với việc Dự Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp…

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều nay, 3/6. Tiếp đó sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 15/6.