Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo “Cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo địa phương: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Hà Nội” đã diễn ra nhằm góp phần xây dựng hệ sinh thái startup hoàn thiện.

Đây là sự kiện quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (KNST) nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) nói chung do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT Hà Nội) và trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 19/3.

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Tại sự kiện các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra một góc nhìn tổng quát hơn về nhu cầu và khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải để phát triển những chiến lược tối ưu nhất, góp phần xây dựng hệ sinh thái startup hoàn thiện hơn.

Các doanh nghiệp tham gia đều đánh giá sự kiện là đòn bẩy, thúc đẩy các doanh nghiệp KNĐMST tiếp thu những kiến thức mới để cải thiện khả năng cạnh tranh, đúc kết thêm những kinh nghiệm từ chia sẻ của các chuyên gia.

Giám đốc trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn cho biết, KNĐMST dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới có thể tạo ra những những đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế - xã hội, hình thành những doanh nghiệp lớn có giá trị, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ năm 2016 đến nay, startup, đặc biệt là KNST đã được nhắc đến trong rất nhiều văn bản như: Nghị quyết 19-2016/CP-NQ, Nghị quyết 35/NQ-CP; Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017); Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Quyết định số 1665/QĐ-TTG ngày 30/10/2017)...

Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1/1/2018 với nhiều quy định cụ thể về đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư....

Đặc biệt, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với chuyên gia Israel xây dựng và hình thành Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội. Cổng thông tin đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2017, hiện có khoảng 800 startups và một số tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tham gia Cổng thông tin. Ngày 9/9/2019, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025”, khẳng định việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền TP.

Trong đó, Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội là cơ quan đầu mối, được TP giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp và KNĐMST.  

“Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng,  có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp KNST, góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KNST có sơ sở vững chắc để tận  dụng cơ hội do cuộc Cách mạng đem lại, phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước ngày càng cường thịnh” - ông Ngô Minh Toàn nhấn mạnh.

Giám đốc trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Giám đốc trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Trong thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều nội dung, hoạt động vừa có tính chuyên môn sâu, khích lệ cộng đồng khởi nghiệp Thủ đô dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân trên con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực.

Để tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp rất cần sự chung tay, góp sức của các chuyên gia, đơn vị ươm tạo, và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với vai trò là hạt nhân trong việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Thời gian sắp tới, Trung tâm đặt ra mục tiêu tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp KNĐMST.

Trong năm 2022, Trung tâm đặt mục tiêu phối hợp với 8 đơn vị truyền thông, hỗ trợ kinh phí xây dựng các chương trình tuyên truyền về KNST; tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 60 startup, 60 cố vấn khởi nghiệp; tổ chức 8 hội thảo kết nối hệ sinh thái KNST; hỗ trợ kinh phí cho 10 đội nhóm KNST tham gia các khóa huấn luyện, tích lũy kinh nghiệm tại nước ngoài; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, phát triển cơ sở hạ tầng cho 2 cơ sở ươm tạo; hỗ trợ kinh phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho cho 15 doanh nghiệp KNST.

Sự kiện, chương trình  đào tạo và hỗ trợ cho doanh nghiệp KNĐMST là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả và sự đồng hành của các chuyên gia, các trường đại học. Các sự kiện và hoạt động để đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới sáng tạo đã và đang góp phần hoàn thiện dần hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và KNST.

 

Chỉ riêng trong 2 năm 2020 - 2021, Trung tâm đã phối hợp với 11 đơn vị truyền thông, xây dựng hơn 40 phóng sự, bản tin, tọa đàm; tổ chức đào tạo chuyên sâu cho 120 startup và 120 cố vấn khởi nghiệp; tổ chức thành công 9 hội thảo với mục đích kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, đăng tải trên 50 bài viết với nội dung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố trên các kênh báo điện tử, báo giấy truyền thống.

Ngoài ra, Trung tâm cũng trực tiếp tham gia vào công tác phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ,mặt bằng sản xuất và hỗ trợ kinh phí ươm tạo cho cộng đồng doanh nghiệp KNST. Cụ thể, trong năm 2021, Trung tâm tham gia hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 3 cơ sở ươm tạo; hỗ trợ kinh phí tham gia cơ sở ươm tạo cho 9 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được ươm tạo tại Trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp - Học viện nông nghiệp Việt Nam.