Vẫn biết, nắn chỉnh hành vi lệch chuẩn văn hóa không thể một sớm một chiều nhưng bước đầu, sau hơn một năm triển khai thực hiện 2 QTƯX Hà Nội đang đẹp lên từ lời nói, hành động.
Hà Nội dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn giữ nếp giao tiếp thanh lịch của người Tràng An. Khi kinh tế đổi mới, Thủ đô đón nhận người dân ở khắp các vùng miền, kéo theo hệ lụy là những cuộc di dân “nóng”, quá tải và sự xô bồ trong đời sống. Với người lớn tuổi luôn hoài tưởng về Hà Nội xưa, với cơ quan quản lý là sự trăn trở các cách thức chấn chỉnh hành động lệch chuẩn ứng xử.
Hoặc sau sự kiện năm 2010, mỗi dịp lễ, Tết ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, lực lượng bảo vệ lại bất lực trước cảnh người dân ngang nhiên nhặt các giỏ hoa trang trí đường phố về nhà. Chị Huyền Minh – Công ty cây xanh Hà Nội sau khi thấy công lao làm đẹp của mình bị phá hỏng, bày tỏ: “Nếu đã chơi hoa, thưởng hoa thực sự thì không phải đi lấy hoa ngang nhiên ở nơi công cộng như vậy”. Không chỉ “hôi hoa” bẻ cành, người Hà Nội còn chen chúc, rào vào Công viên nước Hồ Tây trong ngày mở cửa miễn phí. Ở các khu chợ hay vui chơi công cộng đều dễ dàng chứng kiến cảnh xô xát, mắng chửi. Ở nhiều nơi công sở, cán bộ một cửa luôn giữ vẻ mặt “nặng như chì”, thể hiện thái độ cửa quyền, hách dịch với dân. Mỗi lần ra phường xin giấy khai sinh hay công chứng giấy tờ người dân đều phải luồn cúi xin xỏ, thậm chí là phong bì “lót tay” cán bộ mới xong thủ tục. Những người hoài cổ bỗng nhớ về một Hà Nội xưa mang đậm nét thanh lịch Tràng An, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế. Người cán bộ luôn lăn xả vì dân, giúp dân chạy lụt về đến nhà gia tài của mình đã trôi theo nước, có phần gạo cũng sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi cùng hàng xóm.
Chấp nhận biến đổi để chấn chỉnhTheo họa sĩ - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài chục vạn người ở TP và 4 huyện ngoại thành. Đến khoảng những năm 1980, Hà Nội đã rất khác. Nhiều nhà tập thể bốn năm tầng mọc lên. Nhiều làng trong nội đô đã phố hóa hoàn toàn, dân số tăng vọt. Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp khi đó mọi người đều vất vả và đều nghèo như nhau. Điện, nước, lương thực thì khó khăn. Sau khi đổi mới, Hà Nội có những thay đổi rất tốt, nhưng có một điểm thay đổi không tốt đó là đời sống văn hóa của Thủ đô lại kém đi nghiêm trọng. Những người sống ở Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước hoặc những năm đầu thứ kỷ XXI rất dễ bị kích động, dễ gây gổ, đánh nhau, chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục... Người làm kinh doanh, bán hàng thì chảnh chọe, kiêu căng, bất cần. “Đây là hệ quả của kinh tế bao cấp người bán không cần người mua vẫn còn tồn tại trong người dân Hà Nội” – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bày tỏ.
Chứng kiến sự bát nháo xô bồ của một Hà Nội hơn chục năm trước, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, chúng ta vẫn hay phản ứng bằng cách đưa ra những so sánh về “văn hóa Hà Nội”, “nếp sống, nếp nhà Hà Nội” hoặc “người Hà Nội cũ”. Nhưng, về bản chất, văn hóa Hà Nội có phải là một thứ gì bất biến, để rồi mãi dừng lại ở sự luyến tiếc của một số người hoài cổ? Cũng phải thừa nhận rằng trong quá khứ, Hà Nội chưa bao giờ lại có sự thay đổi đột ngột về thành phần cư dân như hiện tại. Lượng người dồn về quá lớn trong khi một phần lượng dân cư bản địa trước 1954 chuyển đi vì nhiều lý do khiến những thói quen về nếp sống, nếp nghĩ từng có ở Hà Nội đang gặp một thách thức quá lớn. “Chúng ta đừng bất công, tách rời sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội với sự xuống cấp văn hóa đang diễn ra ở bất cứ vùng đất nào. Hà Nội, là nơi tiếp nhận trực tiếp nhất những thay đổi về cách nhìn, cách nghĩ đang diễn ra trong xã hội. Bởi thế, sự chông chênh bi quan mà những người yêu Hà Nội nói tới cũng là điều dễ hiểu” – nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Cần quy tắc để chấn hưng văn hóaKhông bi quan về văn hóa ứng xử Hà Nội, nhưng cũng không thể thả nổi cho những ứng xử tự phát, từ trước năm 2010, các cơ quan chức năng của Hà Nội bắt đầu ấp ủ Đề án xây dựng hệ thống QTƯX trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Nhưng phải đến năm 2011, đề án mới được Thành ủy Hà Nội, UBND TP giao cho Sở VHTT&DL (này là Sở VH&TT) Hà Nội phối hợp với Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng. Bộ quy tắc hy vọng sẽ là thông điệp quan trọng nhằm chấn chỉnh văn hóa ứng xử, đồng thời cũng để thực hiện có hiệu quả Chương trình 04-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015”.
5 năm cho những trăn trở về bộ quy tắc. Các chuyên gia xã hội học, tâm lý… cùng hàng trăm tình nguyện viên đã lăn lộn phát hơn 6.000 phiếu điều tra ở các trường học, bệnh viện, nhà ga, trung tâm thương mại… để cho ra được bài toán QTƯX phải đề ra các quy định chấn chỉnh nào. Tuy nhiên, hệ thống quy tắc nhằm vào 6 nhóm đối tượng chính gồm: Khu vực dân cư; trường học; DN; khu vực công cộng; bệnh viện; cơ quan hành chính… vẫn chưa thể thỏa lòng người dân và có thể áp dụng vào đời sống.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý văn hóa của Hà Nội lại lo lắng tìm sự thay đổi về cấu trúc khác cho QTƯX, để làm sao người dân hào hứng đón nhận và thực hiện. Xây dựng một Hà Nội hiện đại nhưng cũng xứng tầm văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến cũng là điều trăn trở của lãnh đạo Thủ đô.