Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai: Bao giờ công khai, minh bạch?

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/5, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Sự buông lỏng trong quản lý, quy hoạch bị băm nát, điều chỉnh liên tục theo “sự chi phối của DN” đẩy người dân vào sự khó khăn là vấn đề được nhiều ĐB đề cập tới.
Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chính phủ cho rằng, các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng đã được hoàn thiện, đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng. Qua đó, đã từng bước khắc phục tình trạng “xin - cho” trong tiếp cận đất đai; góp phần làm giảm dần tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai…
 ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, qua làm việc với 7 bộ, ngành, 12 địa phương và 40 dự án sử dụng đất đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong sử dụng đất "vàng"; quy hoạch các dự án nhà ở, khu đô thị và cách xác định giá đất... dẫn tới khiếu kiện về đất đai kéo dài. Nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân. Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng.
Ngoài ra, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp. Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ đủ điều kiện mới thực hiện hoặc chờ chuyển nhượng dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng: Điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư

Công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều thiếu sót và cần giải pháp để khắc phục. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật còn khoảng trống, chồng chéo, khó thực hiện. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch chậm được thực hiện, điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư như tăng chiều cao, diện tích mật độ xây dựng tạo ra khu đô thị chật chội, không an toàn về cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người dân. Các bộ, ngành địa phương cần tăng cường kiểm soát, khắc phục quy hoạch treo, dự án treo. Bồi thường tái định cư phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho sai phạm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã GPMB mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát. Cùng với đó, một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa…
Từ thực tế giám sát, Đoàn đã kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất tại đô thị. Xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan đến công tác quy hoạch. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, xử lý các vụ sai phạm, báo cáo Quốc hội trước 2020. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về giá đất, quỹ đất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, minh bạch các dự án giao đất phục vụ kinh tế - xã hội thông qua đấu giá.
Cùng với đó, rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường. Đoàn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực….
Thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch
Thực trạng điều chỉnh quy hoạch quá nhiều là thực trạng khiến các ĐB bức xúc trong quá trình thảo luận. Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần, quy hoạch điều chỉnh luôn luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng và lợi ích của người sử dụng, như tăng số tầng, diện tích sàn, chia nhỏ diện tích, căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm tiện tích cây xanh.
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), việc điều chỉnh dự án này được chính quyền chấp thuận, là nguyên nhân của những hệ lụy lớn - phá nát quy hoạch, không gian chung cho người dân ngày càng bị thu hẹp. "Nhà đầu tư chỉ muốn tối đa hoá lợi nhuận, lấy nhiều lý do để xin điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó việc thẩm định điều chỉnh quy hoạch như thế cũng rất lỏng lẻo" – một số ĐB cho rằng việc điều chỉnh đã thể hiện nhóm lợi ích, sự móc nối giữa cơ quan quản lý với DN.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, ngành thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 368 tỷ đồng, 9.022 ha đất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 1.004 tỷ đồng, 31.163 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng.

ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cũng cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, biểu hiện kiểu tư duy nhiệm kỳ, áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu. Thậm chí không thể khắc phục được trước tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, trước mắt là những TP lớn và sẽ là tất cả các TP trong tương lai.
Nêu lên thực tế cử tri kỳ vọng mong muốn các trụ sở cũ của các cơ quan di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, các công trình tiện ích, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng tình trạng trên. Đồng thời, cần chặn đứng tình trạng nhà đầu tư ôm nhiều khu đất vàng để chờ thời; xử lý nghiêm dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc triển khai thực hiện các dự án quy hoạch chuyên ngành còn chậm, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối. ĐB kiến nghị Chính phủ thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án kinh tế - xã hội thông qua đánh giá việc sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có cơ chế tuân thủ đất đai trong quy hoạch, đảm bảo hài hòa đất ở, đất giao thông, đất công cộng, khu vui chơi giải trí... Quản lý chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quy mô dân số đô thị, diện tích cây xanh, công viên, bãi đỗ xe...
Bức xúc về dự án treo
Đề cập đến các dự án treo, ĐB Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) cho rằng, thực tế đây là vấn đề gây bức xúc rất lớn cho người dân mỏi mòn chờ đợi những dự án đến hàng chục năm. "Chính quyền không nên đẩy cái khó này cho người dân" – ĐB đề nghị có quy định rõ trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để xảy ra quy hoạch treo. Các dự án đều có thời gian yêu cầu thực hiện nhưng lại không có ràng buộc bồi thường khi chậm, muộn triển khai gây thiệt hại cho dân.
ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, năng lực xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, dự báo tình hình còn những hạn chế, dẫn đến bức xúc của người dân vì quy hoạch treo và đã “treo” luôn quyền lợi của người dân. “Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền biết, DN biết nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân thì chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại tố cáo” – ĐB nói. Từ đó đặt vấn đề trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, mặc dù 5 năm qua đã có hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn hecta đất được thu hồi, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.
Trong khi đó, ĐB Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu) đề nghị cần xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm. Thực hiện công khai quy hoạch, tạo cơ chế để người dân giám sát trong việc thực hiện quy hoạch về đất đai, sử dụng công nghệ thông tin dữ liệu về đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng chung quan điểm, nhiều ĐB góp ý, cần quy định rõ nếu hết thời gian quy hoạch mà không thi công cần xóa quy hoạch, bồi thường và cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Gỡ điểm nghẽn giá đất
Điểm nghẽn về giá đất cũng là một vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm. Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), hiện nay, giá đất rất bất cập, không sát với thị trường gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. ĐB đề nghị, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định Bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.
Đây là vấn đề rất khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể không làm vì Hiến pháp đã quy định rõ “Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý”. Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai.
Các ý kiến cho rằng, giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. Ngoài ra, công tác theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, cơ chế giám sát các cơ quan quản lý, cơ quan định giá... cũng làm chưa tốt. Việc chưa có giải pháp cụ thể để xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất thị trường và giám sát việc định giá đất là những yếu tố gây khó khăn cho việc xác định giá đất cụ thể. "Đây là những nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật, có những nội dung cần phải sửa trong Luật Đất đai 2013, nhưng cũng có nội dung liên quan đến các văn bản dưới luật cần được khẩn trương sửa đổi, bổ sung" – ĐB Nguyễn Trường Giang nhận định.
Từ thực tế quản lý, các ĐB đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết đề nghị Chính phủ, các bộ ngành rà soát về tình hình sử dụng đất, đất cho thuê, tạo hàng lang pháp lý thống nhất để thực hiện việc đấu thầu đất công khai minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Sẽ ban hành mới 3 quy chuẩn

Trước đây việc cấp giấy phép quy hoạch là ý tốt nhưng nhược điểm là có sự vận dụng tùy tiện, phá vỡ tính thống nhất của quy hoạch nêu trong Luật. Để ngăn chặn tình trạng này, trong Luật sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch đã quy định, bãi bỏ giấy phép về quy hoạch. Bên cạnh đó có đưa ra công cụ đánh giá thực hiện quy hoạch thường xuyên để loại bỏ dự án treo, quy hoạch treo. Để tăng tính minh bạch trong 2019, Bộ sẽ hoàn thành cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân có thể vào đó nắm được thông tin và giám sát, tránh việc lợi dụng quy hoạch xây dựng để tạo lợi ích nhóm.

Đồng thời, Bộ sẽ ban hành mới 3 quy chuẩn: Quy hoạch; nhà ở (trong đó có nhà chung cư); xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà:Công khai, minh bạch quy hoạch để dân giám sát

Quy hoạch đất đai cần tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược cho nên cần phải công khai, minh bạch các quy hoạch để Nhân dân giám sát. Để giải bài toán này cần tìm cách định ra cơ sở dữ liệu về đất đai, theo dõi toàn bộ các sàn giao dịch, đưa ra các định chế yêu cầu xử lý nếu giá giao dịch không đúng với giá đất thị trường. Khi có mạng dữ liệu đó, qua 5 năm, 10 năm Nhà nước sẽ hình thành khung giá đất cũng như giá đất thị trường, định giá đất đai sẽ minh bạch hơn, có cơ sở khoa học hơn, đúng phương pháp luận hơn.