Thực hiện Chương trình 07- CT/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI): Siết chặt kỷ cương hành chính

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau nửa nhiệm kỳ, Chương trình số 07-CT/TU của Thành ủy Hà Nội (Khóa XVI) về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Chủ động các giải pháp phòng ngừa
Trong thời gian qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cấp bách. Lấy kết quả công tác là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên hàng năm. Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy tiếp tục đôn đốc 13 chuyên đề của Chương trình.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua, TP tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó cũng giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”...
Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.
Tăng công khai, giám sát

Không chỉ cấp TP, tại các quận, huyện, việc triển khai Chương trình 07 cũng được cụ thể bằng kế hoạch, nội dung sát với thực tế. Như tại quận Ba Đình, đã rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần tự giác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong giao tiếp ứng xử với người dân và DN. Huyện Thường Tín chú trọng số hóa một số nội dung quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng số vụ án tham nhũng được Công an TP thụ lý là 60 vụ, 194 bị can; trong đó 45 vụ, 151 bị can đã hoàn tất hồ sơ. Tòa án Nhân dân hai cấp đã thụ lý 45 vụ, 167 bị cáo phạm các tội tham nhũng... Thiệt hại do tham nhũng gây ra là 165,196 tỷ đồng và 31.090m2 đất; đến nay đã thu hồi được 62,505 tỷ đồng và hơn 13.000m2 đất. Thanh tra TP cũng đã chuyển 15 vụ việc trong số 18 vụ việc sang cơ quan điều tra, 3 vụ việc đang tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chương trình 07 vẫn còn những hạn chế đã được Thành ủy chỉ ra như công tác tự phát hiện, tự xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, địa phương hiệu quả chưa cao; việc xem xét, khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra với một số vụ việc nghiêm trọng còn chậm, gây bức xúc trong dư luận…

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục đặt trọng tâm vào các lĩnh vực như đất đai, tài chính, quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng, mua sắm tài sản công... Phải tiếp tục thực hiện Chương trình 07 với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật; quan tâm giải quyết từng bức xúc nhỏ của người dân...

Cùng với đó, TP cũng yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; xử lý kịp thời các đơn tố cáo có liên quan đến tham nhũng.