Thực hư virus SARS-CoV-2 tồn tại nhiều ngày trên bề mặt

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nghiên cứu do chính phủ Mỹ công bố hôm 17/3 cho thấy, chủng virus corona gây bệnh Covid-19 có thể tồn tại trên một số bề mặt trong nhiều ngày hoặc trong không khí trong vài giờ, thay vì thời gian ngắn hơn như các nhận định trước đó.

Phát hiện mới thêm phần nhấn mạnh hướng dẫn vệ sinh phòng ngừa Covid-19 từ các chuyên gia y tế. 
Theo phát hiện của các nhà khoa học Mỹ, chủng virus mới có thể được phát hiện trong tối đa 4 giờ trên bề mặt bằng đồng; 24 giờ trên bề mặt các tông; 2 - 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ.
Báo cáo mới được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM) và được phối hợp thực hiện bởi các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ĐH California, Los Angeles và Princeton.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy phun sương để mô phỏng một người ho hoặc hắt hơi và phát hiện ra rằng virus đã trở thành một "bình xịt" - có nghĩa là các hạt của nó lơ lửng trong không khí - khiến nó có thể tồn tại trong không khí trong gần 3 giờ.
Nghiên cứu này lần đầu tiên được đăng trên một trang web y tế vào tuần trước, trước khi nó được chuyên ngành đánh giá và thu hút nhiều sự chú ý, bao gồm cả một số chỉ trích từ các nhà khoa học, cho rằng nhận định có thể đã cường điệu hóa mối đe dọa của Covid-19 trong môi trường không khí.
Các nhà phê bình cũng đặt câu hỏi liệu một máy phun sương có thể mô tả chính xác sự ho hay hắt hơi của con người hay không?
Theo nghiên cứu mới, khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể của virus SARS-CoV-2 là tương đương với virus từng gây bệnh SARS năm 2002 - 2003. Điều này có nghĩa là các yếu tố khác, như khả năng lây truyền cao hơn giữa những người không có triệu chứng, có thể là lý do tại sao đại dịch hiện nay lớn hơn nhiều so với dịch SARS.
Liên quan đến việc đánh giá Covid-19 thông qua so sánh với dịch SARS, một báo cáo đăng tải trên truyền thông Trung Quốc hồi tuần trước và đang chờ đánh giá chuyên ngành, đã tìm thấy một thể khác của virus SARS-CoV-2. Nó được phát hiện trong phân thải của một bệnh nhân tại Vũ Hán.
Một thể tương tự đã từng được ghi nhận trong dịch SARS, là nguyên nhân gây ra trường hợp lây nhiễm cho hàng trăm người trong 1 khu chung cư ở Hồng Kông vào năm 2003, thông qua đường ống nước thải bị rò rỉ vào một chiếc quạt thông gió.
Phát hiện mới thêm phần nhấn mạnh hướng dẫn vệ sinh phòng ngừa Covid-19 từ các chuyên gia y tế, về việc hạn chế lui đến nơi đông người, tránh chạm vào mặt, che miệng khi ho hoặc hắt hơi và thường xuyên khử trùng đồ vật bằng cách sử dụng thuốc xịt hoặc khăn lau.